Loại bùn này có thể khai thác đưa vào sử dụng với mục đích tắm ngâm điều dưỡng, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Ước tính trữ lượng tài nguyên bùn khoáng tại đây khoảng 30.409 tấn, công suất khai thác gần 600 tấn/năm bùn tinh lọc và hoạt động trong khoảng 13 năm.
>> Bùn “lạ” ở Ninh Thuận: Chưa thể khảo sát là do thiếu kinh phí
>> Lâm Đồng đất nứt, Ninh Thuận bùn phun
Hơn 30 nghìn tấn bùn khoáng tiềm ẩn
Như laodong.com.vn đã đưa tin, từ đầu đầu tháng 3.2011 trên địa bàn thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) xuất hiện một số ổ bùn phun trào trên đất ruộng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.
Ngày 1.6, Sở KH&CN và Nhóm nghiên cứu thực địa thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã kết luận, hiện tượng nứt đất, xuất lộ bùn tại Thuận Bắc (Ninh Thuận) chỉ là một dạng tai biến địa chất quy mô nhỏ. Nguyên nhân liên quan đến yếu tố nội sinh, do hoạt động đứt gãy kiến tạo thuộc phần nông của vỏ trái đất và có ảnh hưởng của yếu tố ngoại sinh như hoạt động của nước mưa, nước dưới đất. Nền đất yếu cộng với áp lực nước ngầm dưới đất làm phun trào bùn.
Cơ quan chức năng khảo sát hố bùn tại Suối Đá – Lợi Hải, Thuận Bắc, Ninh Thuận.
Theo ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng quản lý công nghệ chuyên ngành Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận: “Do chỉ là một dạng tai biến địa chất quy mô nhỏ nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, dân sinh. Mặt khác, qua lấy mẫu phân tích, chúng tôi nhận thấy đây là một loại bùn khoáng có thể đưa vào khai thác sử dụng với mục đích tắm ngâm điều dưỡng và nghiên cứu sâu hơn phục vụ chữa bệnh, phục hồi sức khỏe”.
Theo báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu, ước tính trữ lượng tài nguyên bùn khoáng tại đây khoảng 30.409 tấn. Mặc dù trữ lượng không lớn và độ thu hồi thấp tuy nhiên đủ cho một trung tâm du lịch điều dưỡng có sử dụng dịch vụ tắm ngâm bằng nước khoáng – bùn khoáng với công suất khai thác khoảng 600 tấn/năm bùn tinh lọc, hoạt động trong khoảng 13 năm.
Nhóm khảo sát cũng đã tìm hiểu chất lượng đánh giá tiềm năng của bùn. Kết quả bước đầu cho thấy, bùn khoáng ở đây có chất lượng tốt, không chứa các yếu tố độc hại đáp ứng được mục đích sử dụng cho tắm, ngâm chữa bệnh, phục hồi sức khỏe. Bùn khoáng này có nguồn gốc vô cơ được kết tụ từ nước khoáng và sản phẩm “rữa lũa” từ vỏ phong hóa của đá granit dưới sâu, sau đó được đưa lên theo các “họng” nứt đất nhờ áp lực của nước ngầm. Thành phần bột sét trung bình chiếm 27%, độ PH trung tính từ 6,9 – 7, hàm lượng silic cao chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe con người. Thông qua liệu pháp tắm bùn có thể làm tăng khả năng sinh học của cơ thể.
Cẩn thận với “bẫy bùn”
Trong số 5 ổ bùn được phát hiện có 2 ổ bùn mới đùn từ cuối tháng 2.2011; 2 ổ bùn khác đùn lên cách đây hơn 6 tháng (vào mùa khô năm 2010); 1 ổ bùn đùn lên đã lâu (khoảng năm 1970). Cả 5 ổ bùn này nằm trên diện tích khoảng 1.700 m2 thuộc khu ruộng lúa của ông Eama xít Sớn và Cha ma léa Ngăm (thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc).
Một hố bùn trên đất ruộng của ông Cha ma léa Ngăm.
Bùn trào lên theo các họng nứt đất tạo thành các ổ phân bố theo hướng đông bắc - tây nam, đường kính mỗi ổ bùn từ 1,6 – 3m, bùn nổi cao 0,4 – 0,8m so với mặt đất, độ sâu của các ổ bùn từ 5-6m. Bùn có màu xám sáng, xanh nhạt, sờ mát tay trong bùn có nước áp lực chảy rỉ ra. Áp lực bùn phun khá mạnh nên khi càng bới rộng bề mặt, bùn trào ra càng nhiều.
Theo ông Eama xít Sớn, (người từng phát hiện ổ bùn vào năm 1970 tại khu vực này) thì bùn ở đây đùn lên quanh năm, nhưng đùn mạnh và nhiều hơn vào mùa mưa. Qua thực tế quan trắc tại các thời điểm gần đây, nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng bùn trào ra ít dần do thời tiết đang vào mùa khô, nắng nóng, nhưng ở dưới mặt đất bùn vẫn luôn lỏng, bão hòa nước dạng như nhũ tương.
Việc xuất hiện các hố bùn sâu trên các thửa ruộng lúa trở thành cái “bẫy” rất nguy hiểm đối với người và gia súc khi qua lại. Theo người dân địa phương cho biết, trước đây đã từng có một con bò vào uống nước ở một ổ bùn thì bị sụp chân xuống hố dẫn đến chết chìm.
Mặt khác, theo dự báo của nhóm nghiên cứu thì hiện tượng bùn phun trào sẽ tiếp tục xảy ra theo quy luật tự nhiên, trong phạm vi khu vực đã xuất lộ, nhất là khi xảy ra mưa lớn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hoạt động dân sinh tại khu vực, địa phương cần thực hiện việc rào chắn, dựng biển cảnh báo, nghiêm cấm người và gia súc qua lại tại khu vực này.