Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Butrint của Albania là Di sản văn hóa thế giới năm 1992.
Butrint là một thành phố của Hy Lạp cổ xưa và cũng là di tích cổ ở Sanrande của Albania, sát ngay biên giới Hy Lạp. Butrint nằm trên một ngọn đồi trông xuống kênh Vivari. Thời kỳ đế chế La Mã, Butrint vốn là một vùng đất có đông dân cư ngụ. Theo lịch sử của La Mã cổ đại thì người sáng lập ra Butrint là nhà tiên tri Helenus. Nhà tiên tri Helenus là con trai Vua Priam thành Troy.
Theo các bằng chứng khảo cổ thì đây là nơi cư ngụ của con người tiền sử từ khoảng giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Butrint nằm ở một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên eo biển Corfu. Vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, cư dân Butrint đã cho xây dựng 1 đền thờ thờ thần Asclepius và 1 quảng trường lộ thiên để hội họp.
Hình ảnh Butrint nhìn từ trên cao.
Năm 228 trước Công Nguyên, Butrint cùng với đảo Corfu trở thành đất bảo hộ của người La Mã. Cộng hòa La Mã dần dần thống trị vùng Butrint từ những năm 167 trước Công nguyên. Đến thời kỳ của Hoàng đế vĩ đại Caesar, vùng đất này thường được được Hoàng đế cắt đất thưởng cho những tướng lĩnh có công. Tuy nhiên lãnh chúa của vùng đất Butrint thời đó là Titus Pomponies Alticus đã vận động Viện nguyên lão để giảm thiểu việc phong đất này, vì thế ở Butrint cũng chỉ có rất ít tướng có thể về sinh sống xây dựng dinh thự.
Đến khoảng năm 30 trước Công nguyên, thời kỳ của Hoàng đế Augustus. Sau trận chiến Actium, vùng Butrint trở thành nơi sinh sống chủ yếu của các cựu chiến binh, binh sĩ quân đoàn Hoàng gia. Những cư dân mới này đã mở rộng thành phố, xây thêm nhiều nhà, các công trình công cộng như: 1 kênh dẫn nước, 1 nhà tắm công cộng kiểu La Mã, 1 khu họp chợ lộ thiên và 1 giếng nước...
Trong thế kỷ thứ 3 sau công nguyên, Butrint đã phải hứng chịu 1 trận động đất lớn. Trận động đất đã phá hủy gần như toàn bộ thành phố gồm nhà ở và cả các công trình công cộng. Mặc dù bị phá hủy như vậy, nhưng thành phố vẫn tồn tại và trở thành 1 hải cảng chính của vùng Epirus cổ.
Đến thế kỷ thứ 6, Butrint bắt đầu có những giáo phận của Thiên chúa Giáo. Cũng trong khoảng thời gian này, 1 nhà thờ và 1 nhà rửa tội đã được cho xây dựng ở đây. Đến thế kỷ thứ 7, thành phố này bị thu hẹp lại thành 1 pháo đài nhỏ sau khi các thế lực La Mã hoàn toàn sụp đổ. Bultrint dã bị đế quốc Bulgaria kiểm soát trong một thời gian ngắn ( 632 – 1018). Trong thời gian đế quốc Bulgaria kiểm soát Butrint, có nhiều rượu và dầu từ vùng đất Địa Trung Hải được nhập về. Đến cuối thế kỷ thứ 9, đế quốc Byzantine chiếm lại Butrint từ tay người Bulgaria. Trong 1 khoảng thời gian ngắn, vùng đất Butrint đã liên tục phải chống lại các cuộc tấn công của người Norman. Mãi đến năm 1204, sau cuộc thập tự chinh thứ 4, đế quốc Byzantine tan rã. Thành phố đổi chủ nhiều lần trong những năm sau đó. Năm 1267, Charles I đã nắm quyền kiểm soát Bultrint và đảo Corfr. Năm 1386 công hòa Venezia đã mua lại vùng đất này cùng đảo Corfu từ tay người Angevin. Tuy nhiên các thương gia thời kỳ đó chỉ chú trọng tới đảo Corfu còn không quan tâm đến Butrint. Vì thế Butrint lại một lần nữa rơi vào tình trạng suy thoái, bị lãng quên. Năm 1797, Butrint rơi vào tay người Pháp, khi Venezia nhượng vùng đất này cho Napoleon theo Hiệp ước Campo Formio. Năm 1799, 1 tướng địa phương đã chiếm vùng đất này cho đến khi Albania hoàn toàn giành độc lập 1912. Tuy nhiên thời kỳ này ở Butrint rất ít người dân sinh sống, cư ngụ.
Cho đến tận năm 1928, các cuộc khai quật khảo cổ mới được tiến hành ở đây. Cuộc khai quật đầu tiên do Chính phủ Ý gửi 1 đoàn thám hiểm tới với mục đích chính là nghiên cứu về địa lý nhằm nâng cao và bành trướng quyền bá chủ. May mắn là trong đoàn thám hiểm đó có 1 người rất quan tâm đến khảo cổ tên là Ugolini. Ông đã cho tiến hành nhiều nghiên cứu có nghĩa về lịch sử, quá trình phát triển ở Butrint. Năm 1936, Ungolini mất nhưng các công trình nghiên cứu của ông vẫn được tiếp tục đến năm 1943 khi thế chiến thứ 2 nổ ra mới chấm dứt. Khi chiến tranh kết thúc, các cuộc nghiên cứu lại được tiến hành, trong thời kỳ này các nhà khoa học đã tìm ra nhiều khám phá mới về nền văn minh Hy Lạp và văn minh La Mã cổ. Nổi bật trong số đó là Lion Gate (cổng sư tử) và Scaean Gate (cổng Scaean).
Sau khi chính phủ của Enver Hoxha lên nắm quyền ở Albania năm 1944, các nhà khảo cổ nước ngoài bị đuổi không được phép nghiên cứu khu vực này, và chỉ có người Albania mới được phép tiếp cận cũng như tiến hành các cuộc nghiên cứu về vùng đất lịch sử Butrint.
Năm 1970, Viện khảo cổ Albania bắt đầu mở rộng việc khải quật Butrint. Sau khi chế độ cộng sản Albania sụp đổ năm 1922, Chính phủ dân chủ mới đã lập nhiều kế hoạch phát triển, bảo tồn Bultrint. Cũng trong năm này, Chính phủ Albania đã đề nghị Unesco công nhận Butrint là Di sản văn hóa thế giới và đề nghị đã được thông qua.
Năm 1997, Unesco xếp Butrint vào danh sách những Di sản thế giới có nguy cơ bị đe dọa vì nạn cướp phá, hư hại di tích quá nặng nề ở nơi đây.
Năm 2000, Chính phủ Albania đã thành lập Vườn quốc gia Butrint với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức và quỹ Butrint. Tình trạng cướp bóc cũng như phá hoại di tích ở đây băt đầu được cải thiện và đến năm 2006, Unesco rút tên Butrint ra khỏi danh sách những Di sản thế giới có nguy cơ bị đe dọa.
Hiện nay, Butrint đã trở thành 1 điểm du lịch hấp dẫn tại Albania. Khách du lịch quốc tế khi đã tới Albania thường không thể bỏ qua điểm đến lý thú này.