Cá mập sống sót sau cuộc chiến với mực khổng lồ

Lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về cuộc chiến giữa cá mập và một con mực dài hơn 8m tính cả xúc tu dưới Thái Bình Dương.

Xúc tu của con mực to lớn để lại những dấu giác hút to bằng quả bóng golf trên da cá mập vây trắng đại dương dài 2,1 mét. Đây là bằng chứng khoa học đầu tiên về tương tác giữa cá mập và mực khổng lồ hay bất kỳ loài mực lớn tương tự nào khác sống ở độ sâu hơn 305 m, theo nghiên cứu công bố hôm 3/6 trên tạp chí Fish Biology.


Dấu giác hút gần vây lưng cá mập. (Ảnh: National Geographic).

Vào hè năm 2019, nhiếp ảnh gia Deron Verbeck trông thấy một con cá mập ngoài khơi Kona, Hawaii, có những dấu tròn màu trắng ở sườn. Cho rằng các nhà khoa học có thể nhận dạng cá mập dựa trên vết sẹo của chúng, Verbeck chụp vài bức ảnh. Khi xem lại trên máy tính, Verbeck phóng to chấm tròn và rất bất ngờ vì nhận ra đó là hàng loạt dấu giác hút lớn.

Yannis Papastamatiou, nhà sinh thái học cá mập ở Đại học Quốc tế Florida tại Miami trông thấy bức ảnh và lập tức liên lạc với Verbeck. Papastamatiou và cộng sự mô tả tương tác này trong nghiên cứu mới. Họ không thể kết luận loài mực nào là tác giả của những dấu giác hút bởi có một số loài mực đủ lớn để tạo ra vết đó. Nhưng theo Papastamatiou, con mực đó hẳn phải khá lớn.

Phát hiện trên đặc biệt hữu ích đối với công tác bảo tồn cá mập vây trắng đại dương, loài vô cùng nguy cấp do đánh cá thương mại và buôn bán vây cá mập. Ví dụ, việc biết cá mập vây trắng có thể kiếm ăn ở vùng biển sâu có thể giúp các nhà khoa học tư vấn cho nhà chức trách vùng biển nào cần bảo vệ.

Papastamatiou nhấn mạnh rất khó để rút ra kết luận dựa trên một bức ảnh. Cuộc chiến có thể nổ ra nếu hai loài động vật ăn thịt đụng nhau, nhưng nhiều khả năng cá mập bơi theo con mực để săn mồi. Cá mập vây trắng không kén chọn thức ăn, chúng săn nhiều loại các khác nhau và mực nhỏ. Dù loài cá mập này có thể lặn sâu, chúng chủ yếu đi săn gần mặt nước. Có thể con mực khiêu chiến trước, nhưng đồng tác giả nghiên cứu Heather Bracken-Grissom, nhà sinh vật học ở Đại học Quốc tế Florida, chưa có ghi chép nào về mực săn cá mập.

"Có khả năng con mực bị cá mập tấn công và buộc phải tự vệ", Bracken-Grissom suy đoán. Dựa theo dấu giác hút trên da cá mập, Bracken-Grissom suy đoán con mực dài ít nhất một mét và 8,2 m nếu tính cả xúc tu. Những dấu tròn màu trắng ở cá mập có thể do giác hút ở phần cuối xúc tu gây ra.

Cập nhật: 08/06/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video