Cá tầm trắng tên khoa học là Huso huso có thể sống được trong môi trường nước ngọt lẫn nước mặn, là loại cá có giá trị cao trên thị trường bởi thịt và trứng của chúng là những món ăn rất ngon và bổ dưỡng, trứng được dùng làm món trứng cá muối, đây là món ăn đặc sản có giá trị kinh tế rất cao.
Cá trầm trắng sống ở sông hay biển tùy theo từng giai đoạn phát triển. Cá trưởng thành từ biển bơi vào sông trong khoảng tháng ba, bơi lên đến các nhánh thượng nguồn vào khoảng tháng năm. Ở đó, chúng đẻ trứng trong các dòng nước chảy xiết. Trứng bám chặt vào đá cho đến khi nở.
Sau thời gian sinh sản, những con trưởng thành bơi ra biển, nhưng những con non vẫn ở lại sông nhiều năm, rồi sau đó cũng bơi thẳng ra sống ở biển. Phải mất ít nhất là 20 năm, cá tầm trắng mới đến độ trưởng thành để có thể sinh sản - khi đó chúng lại từ biển bơi vào sông và ngược lên thượng nguồn.
Cá tầm trắng đẻ trứng với số lượng rất lớn: một con cá cái kích thước 3m có thể đẻ một lứa hơn 3 triệu trứng với tổng trọng lượng là 115kg trứng. Những con cá mái sắp đẻ trứng thường bị ngư dân bắt để làm món trứng cá muối.
Cá Huso huso có hình dạng bên ngoài cũng khá lạ mắt: đầu có các mảng sừng bao phủ, 5 dãy sừng giống nhau chạy dọc theo thân mình.
Loại cá tầm quý hiếm này chỉ thích sống đơn độc một mình, chúng thường bơi sát dưới đáy biển, đáy sông để tìm kiếm mồi. Thức ăn của cá tầm trắng là các loại cá nhỏ, sâu nước, động vật thân mềm,... Nhiều khi người ta cũng thấy chúng bơi lơ lửng ở tầng nước giữa.
Trước đây, ngư dân đã từng đánh bắt được những con cá tầm trắng có chiều dài đến 3,9m và nặng đến khoảng 800kg. Nhưng hiện nay hiếm khi tìm thấy được con cá tầm Huso huso nào dài hơn 2,5m và nặng hơn 360kg.
Trong thiên nhiên, cá tầm trắng phân bố ở biển Đen, biển Caspian, biển Adriatic và biển Azov. Chúng hay di chuyển vào các con sông Don, Kuban, Dneiper, Dniester và Danube.
Hiện loài cá này đang bị đẩy đến bên bờ vực tuyệt chủng, một phần vì sự ô nhiễm của các con sông và việc đắp đập ngăn dòng nước đã gây trở ngại cho sự di trú của cá, một phần vì số lượng đánh bắt cá quá lớn. Bên cạnh đó, người ta lại hay giết con cái trưởng thành để lấy trứng, làm sụt giảm nghiêm trọng nguồn cá tầm thiên nhiên. Cá tầm trắng lại trưởng thành chậm: sau khoảng 20 năm tuổi.