Tăng trưởng kinh tế toàn cầu làm lượng khí thải các-bon đi-ô-xít (CO2) trong khí quyển tăng nhanh hơn so với dự đoán do các cánh rừng và đại dương đang gặp nhiều khó khăn trong việc hấp thụ loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính này.
Đây là kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức môi trường quốc tế, trong đó có Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc, vừa được trao giải thưởng Nobel Hoà bình năm nay, được công bố trên tạp chí Biên bản Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.
Rừng - một "bộ lọc" của thiên nhiên đã giảm khả năng hấp thụ khí thải các-bon đi-ô-xít. (Ảnh: Ncaveo.ac.uk) |
Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Dự án khí các-bon toàn cầu trên - Pep Canadell - cho biết cách đây 50 năm, cứ mỗi tấn CO2 thải ra thì có 600 kg được các bộ lọc thiên nhiên hấp thụ, trong khi đến năm 2006, con số này chỉ là 550kg và tiếp tục giảm. Theo ông Canadell, điều này đã chứng tỏ khả năng hấp thụ các loại khí do con người thải ra của Trái Đất đang hoạt động kém dần.
Theo Nghị định thư Kyoto, vào năm 2012, các quốc gia cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống còn ở mức dưới 5% so với năm 1990. Tuy nhiên, BAS nhận định khả năng hấp thụ lượng khí các-bon của các bộ lọc thiên nhiên giảm đi cho thấy việc kiểm soát khí CO2 trong khí quyển khó khăn hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đây.