Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu tiêm máu trẻ giúp chuột già sống lâu hơn

Các nhà khoa học phát hiện, đưa máu trẻ vào chuột già có thể làm trẻ hóa tế bào gốc trưởng thành và tế bào soma xung quanh.

Nhóm chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) phát hiện một kỹ thuật "ma cà rồng", theo đó máu trẻ tiêm vào chuột già có thể giúp chúng sống lâu hơn. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Cell Stem Cell hôm 24/5.


Tiêm máu trẻ tiêm vào chuột già có thể giúp chúng sống lâu hơn.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, việc tiếp xúc với máu già có thể đẩy nhanh tốc độ lão hóa của nhiều loại tế bào và cơ quan trong chuột trẻ, trong khi bơm máu trẻ vào chuột già có thể làm trẻ hóa các tế bào gốc trưởng thành và các tế bào soma xung quanh. Họ xác định thêm rằng tế bào HSPC - loại tế bào gốc tạo ra các tế bào miễn dịch và máu khác - nằm trong số những tế bào nhạy cảm nhất với máu trẻ.

"Đa số nghiên cứu liên quan trước đây chỉ mứng minh được hiện tượng trẻ hóa mà chưa hé lộ đủ về những cơ chế thiết yếu", Ma Shuai, tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia tại Viện Động vật học và Viện Di truyền học Bắc Kinh thuộc CAS, nói. Ma cho biết, nghiên cứu mới nhằm tìm ra bằng chứng khoa học và trả lời câu hỏi làm thế nào máu trẻ kích hoạt phản ứng trong các tế bào già.

Giới khoa học đã quan tâm đến các đặc tính chống lão hóa của máu trẻ ít nhất từ cuối những năm 1950, khi nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này được xuất bản. Đến đầu những năm 2000, vấn đề này ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm.

Để tìm hiểu quá trình lão hóa, các nhà khoa học đã phát triển một kỹ thuật gọi là Heterochronic parabiosis, trong đó một con chuột trẻ và một con chuột già cùng chia sẻ một hệ tuần hoàn để các nhà nghiên cứu có thể đánh giá cách phản ứng của các mô và cơ quan ở cấp độ toàn thân. Năm 2005, các nhà khoa học tại Đại học Stanford (Mỹ) tìm thấy dấu hiệu trẻ hóa ở cơ bắp và gan của chuột già sau khi bổ sung máu trẻ cho chúng trong một tháng.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia Trung Quốc đã phân lập và so sánh hơn 164.000 tế bào đơn lẻ ở 7 cơ quan trong 5 năm để xác định cơ chế khiến kỹ thuật Heterochronic parabiosis ảnh hưởng đến quá trình lão hóa và trẻ hóa.

Họ cho biết, tác dụng trẻ hóa ở chuột già bắt nguồn từ sự hoạt hóa các tế bào HSPC già thay vì từ sự di chuyển của các HSPC trẻ vào tủy xương. "Nghiên cứu của chúng tôi tạo thành một nguồn tài nguyên có thể khai thác để nâng cao hiểu biết chung về các yếu tố liên quan đến lão hóa và cách nhắm tới chúng để giảm bớt sự lão hóa", nhóm chuyên gia cho biết.

Nghiên cứu mới được thực hiện trên chuột nhưng nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp cũng quan tâm đến tiềm năng trẻ hóa người. Ambrosia, startup có trụ sở tại Mỹ, từng đề xuất việc truyền huyết tương từ những người hiến tặng trẻ - 1,5 lít mỗi lần và tiêm trong hai ngày. Phương pháp này đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê phán là "không an toàn hay hiệu quả" vào năm 2019.

Cập nhật: 02/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video