Các nhà khoa học nỗ lực cứu loài ếch lớn nhất sống dưới nước

  •  
  • 580

Các nhà khoa học quốc tế đang hợp tác để cứu loài ếch Titicaca khổng lồ trước bờ vực tuyệt chủng.

Ếch Titicaca dành toàn bộ vòng đời sống dưới nước.
Ếch Titicaca dành toàn bộ vòng đời sống dưới nước. (Ảnh: BioGraphic).

"Trong nỗ lực phối hợp, một tổ chức xuyên biên giới đã được thành lập để nghiên cứu và bảo tồn loài ếch nước Titicaca (Telmatobius culeus) với tầm nhìn hướng đến tương lai lâu dài của chúng", Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên La Paz của Bolivia cho biết trong một tuyên bố.

Bên cạnh La Paz, dự án còn có sự tham gia của Đại học Cayetano Heredia, Bảo tàng Alcide d'Orbigny của Peru, tổ chức môi trường phi chính phủ NaturalWay, sở thú Denver ở Colorado, Mỹ và Bảo tàng Động vật học tại Đại học Pontifical Catholic ở Ecuador.

Telmatobius culeus được xem là loài lưỡng cư sống hoàn toàn dưới nước lớn nhất thế giới, với chiều dài thân trung bình lên tới 14,5 cm. Một báo cáo vào năm 1970 của nhà thám hiểm người Pháp Jacques Yves Cousteau còn ghi nhận một cá thể dài 50 cm khi duỗi thẳng chân và nặng hơn 1kg.

Ếch Titicaca có thể sống ở độ sâu hơn 100m.
Ếch Titicaca có thể sống ở độ sâu hơn 100m. (Ảnh: National Geographic).

Đúng như tên gọi, ếch Titicaca chỉ được tìm thấy tại hồ Titicaca ở biên giới Peru - Bolivia. Chúng có thể sống bên dưới đáy hồ, cách mặt nước 120 m, một kỷ lục về độ sâu trong thế giới loài ếch.

Telmatobius culeus hiện được xếp vào nhóm động vật "cực kỳ nguy cấp" bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Ô nhiễm nguồn nước, bệnh dịch và nạn săn bắt quá mức để lấy thịt và da là nguyên nhân chính đẩy quần thể loài tới bờ vực tuyệt chủng.

Cập nhật: 28/07/2020 Theo VnExpress
  • 580