Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là Di sản văn hóa thế giới năm 1995.
Các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là một công trình nhân tạo cổ có lịch sử từ 2000 đến 6000 năm được tìm thấy trên các núi thuộc tỉnh Ifugao. Các ruộng bậc thang này được tổ tiên những người dân bản địa sinh sống tại đây tạo nên. Các nhà nghiên cứu cho rằng những ruộng bậc thang này được xây dựng chủ yếu bằng tay vào thời kỳ còn rất ít công cụ hỗ trợ. Các ruộng bậc thang này có độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển và có diện tích 10.360 km2. Những ruộng bậc thang này được nuôi dưỡng và tưới tiêu bằng một hệ thống thủy lợi tự nhiên là nước mưa từ trên đỉnh núi chảy xuống.
Canh tác ruộng bậc thang là loại hình canh tác độc đáo ở vùng Đông Nam Á, ruộng bậc thang là kiểu canh tác lúa nước trên địa hình đồi núi với một hệ thống thủy lợi khá tinh vi nhằm cung cấp nước cho sự sinh trưởng của cây lúa. Có thể nói loại hình canh tác ruộng bậc thang tồn tại một cách độc đáo ở các nước Đông Nam Á trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Phillippines.
Tại Philippines ở một số địa phương như Luzon, Man Da Nao, Pan Na Wan...có tộc người Ifugao, đây là những chủ nhân sáng tạo ra loại hình canh tác vào loại độc đáo nhất thế giới này trong các hoạt động nông nghiệp truyền thống.
Trong suốt hơn 2000 năm, những cánh đồng lúa trên cao được người Ifugao từ từ xây dựng theo đường viền chạy quanh các ngọn núi và được nhân rộng trong cả một vùng lớn. Những kiến thức về canh tác được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như là một truyền thống thiêng liêng của dân tộc.
Cho những năm đầu của thế kỷ XX, người Iflugao ở Philippines vẫn là dân tộc được các nhà khoa học, dân tộc học trên thế giới hết sức quan tâm. Các nhà khoa học đặc biệt chú ý đến tộc người này là bởi những đặc điểm riêng biệt về các tập tục cư trú cũng như những hoạt động sản xuất kinh tế, các nghi lễ tín ngưỡng và các xây dựng ruộng bậc thang của họ. Chính phủ Philippines đã có nhiều nỗ lực trong việc đồng hóa và xóa bỏ khoảng cách giữa người dân tộc Iflugao với những người dân thường ở Philippines song dường như không gì lay chuyển được tộc người này. Với dân số xấp xỉ 120.000 người sống rải rác trong một vùng rộng lớn lên đến 1.120 km2, nơi có địa hình gồ ghề, lởm chởm núi đá và nhiều mưa bão. Người dân tộc Iflugao vẫn sinh sống và canh tác trên các thửa ruộng bậc thang mà họ chính là người sáng tạo, là chủ nhân của chúng. Trong hoạt động nông nghiệp truyền thống của mình, tộc người Iflugao có sự liên hệ rất chặt chẽ với cây lúa cũng như những nghi lễ ma thuật, cúng bái xung quanh cây lúa.
Các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras tại Luzon là một hình ảnh, một minh chứng cụ thể về tập tục canh tác của người dân tộc Philippines. Các ruộng bậc thang này được Unesco công nhận theo các tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là một minh chứng mạnh mẽ cho hệ thống bền vững và là hình thức lao động sản xuất lúa gạo chủ yếu của người dân tộc Ifugao trong suốt hơn 2 thiên niên kỷ.
Tiêu chí (iv): Các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là một đài tưởng niệm sống cho lịch sử lao động nhiều ngàn đời của người nông dân với các thức sản xuất truyền thống theo quy mô nhỏ nhưng lại tạo ra một hình thức làm kinh tế bền vững, ổn định dựa vào tài nguyên thiên nhiên.
Tiêu chí (v): Các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là một ví dụ nổi bật trong việc kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Bên cạnh đó các ruộng bậc thang tại Philippine Cordilleras là di tích duy nhất tại Philippines không bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa thuộc địa. Đồng thời hệ thống các ruộng bậc thang này cũng là minh chứng quan trọng trong việc xác định những kiến thức khoa học vượt bậc của người xưa trong việc áp dụng sản xuất.
Đến nay, nếu đến Philippines, du khách quốc tế thường chọn đến thăm di sản văn hóa này bởi nơi đây không chỉ mang nhiều ý nghía về văn hóa, lịch sử mà còn là một địa danh có cảnh quan rất đẹp với một môi trường thiên nhiên trong lành tuyệt vời.