Ngày 4-6, tại một hội nghị về toàn cầu ấm lên diễn ra tại thủ đô Nepal, các chuyên gia cảnh báo các sông băng ở Himalaya có thể biến mất trong vòng 50 năm tới. Băng tan cũng sẽ dẫn tới hình thành thêm nhiều hồ băng lớn, gây tràn ngập và tàn phá các cộng đồng miền núi.
“Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao như hiện nay, sẽ không còn tuyết và băng ở Himalaya trong 50 năm tới”, Surendra Shrestha, Giám đốc Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết.
Tại Nepal, sông băng Imja ở phía nam núi Everest đã rút ở mức khoảng 70 m mỗi năm, và lượng nước này đang hình thành nhiều hồ băng lớn. “Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy bề mặt của một số hồ nước đang tăng khoảng 150-200% và đang có nguy cơ bị vỡ”, Andreas Schild, một đại biểu tham dự hội nghị nói.
Còn Tsering Sherpa, chủ tịch Hội leo núi Nepal đồng thời cũng là một quan chức môi trường của Liên hiệp quốc cho biết toàn cầu ấm lên cũng đang tác động tới “nóc nhà thế giới”: “10 năm trước, mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trên đỉnh Everest, nhưng hiện nay, mùa xuân mới là mùa đẹp nhất. Điều này là do tác động của toàn cầu ấm lên”.
Theo ông, tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu có thể được ngăn chặn, với điều kiện các nước phải hết sức nỗ lực, trong đó có việc các nước thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải tự nguyện cắt giảm carbon dioxide.
TƯỜNG VY