50 triệu tấn tế bào bất tử của loài người được lấy từ một người phụ nữ

Tế bào bất tử cứu sống hàng triệu người của cô gái Mỹ
  •   3,73
  • 3.409

Khi tới bất cứ một phòng thí nghiệm nuôi cấy tế bào nào trên thế giới, bạn cũng có thể bắt gặp hàng tỷ tế bào của Henrietta được các nhà khoa học lưu trữ tại đó.

Trong quá khứ và hiện tại, trường sinh bất tử vẫn chỉ là ước mơ của con người. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, đã từng có một người phụ nữ sở hữu những tế bào bất tử. Những tế bào này mở ra rất nhiều cánh cửa cho y học hiện đại. Một điều bất ngờ hơn nữa, vì bất tử nên sau khi tế bào của cô được lưu trữ, chúng đã phân chia hàng triệu triệu lần. Cho đến nay tổng cộng số tế bào bất tử loài người sở hữu đạt tới 50 triệu tấn.

50 triệu tấn tế bào bất tử của loài người được lấy từ một người phụ nữ
Henrietta Lacks người sở hữu tế bào bất tử.

Khi tới bất cứ một phòng thí nghiệm nuôi cấy tế bào nào trên thế giới, bạn cũng có thể bắt gặp hàng tỷ tế bào của Henrietta được các nhà khoa học lưu trữ tại đó. Henrietta Lacks là một nữ nông dân trồng cây thuốc lá, người Mỹ gốc Phi.

Henrietta Lacks sinh ngày 1/8/1920 ở Roanoke, Virginia, Mỹ. Ở tuổi 31, người mẹ 5 con đến bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore do cơn đau ở cổ tử cung và chảy máu bất thường. Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện một khối u ở cổ tử cung của cô. Chỉ 8 tháng sau chẩn đoán, ngày 4/10/1951, Lacks qua đời và được chôn cất trong một ngôi mộ vô danh, theo Newsweek.

Trong suốt thời gian Lacks chữa trị ở bệnh viện, bác sĩ lấy mẫu tế bào ung thư của cô và đưa tới phòng thí nghiệm để phân tích. Những tế bào này rất khác thường. Trong khi phần lớn tế bào người chỉ có thể tồn tại vài ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm, tế bào của Lacks tiếp tục phát triển và phân chia liên tục như thể bất tử. Kiểu "bất tử" này rất phổ biến ở tế bào ung thư, nhưng tế bào của Lacks có thể sinh sản đặc biệt nhanh. Vì vậy, chúng được sử dụng để tạo ra dòng tế bào người bất tử đầu tiên, gọi là tế bào HeLa, đặt theo tên của Lacks.

Các tế bào này sau đó nhanh chóng được nhân lên với số lượng lớn và phân phối đến các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Chúng sau đó đã được sử dụng để phục vụ gần 75.000 nghiên cứu, giúp mang tới các đột phá quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điều chế vắc-xin, chữa trị ung thư và sinh sản.

Trong khi các tế bào bình thường của chúng ta sẽ chết đi sau một số lần sinh sản nhất định, những tế bào của Henrietta có thể sống vô hạn nếu cung cấp cho chúng đủ dưỡng chất cần thiết để tồn tại. Thậm chí, nó có thể được đông lạnh sau nhiều thập kỷ rồi sau đó hồi sinh lại bằng cách tăng lại nhiệt độ.

Suốt hơn 60 năm qua, người ta ước tính rằng có thể có tới 50 triệu tấn tế bào đã được sản sinh từ những tế bào đầu tiên của Henrietta được thu thập. Chúng góp phần rất lớn trong các nghiên cứu chữa bệnh bại liệt; lập bản đồ gene; học cách tế bào làm việc; phát triển các loại thuốc để điều trị bệnh ung thư, herpes, bệnh bạch cầu, bệnh cúm, bệnh ưa chảy máu, bệnh Parkinson, bệnh AIDS...

50 triệu tấn tế bào bất tử của loài người được lấy từ một người phụ nữ
Những tế bào của Henrietta Lacks được phân phối khắp các phòng thí nghiệm trên thế giới.

Trước khi các tế bào của Henrietta được khám phá, các nhà khoa học gần như không thể lưu trữ và nhân các tế bào của con người với số lượng lớn bên ngoài cơ thể. Đa số chúng sẽ chết rất nhanh. Các tế bào của Henrietta mở ra một tiêu chuẩn mới cho các nhà khoa học thực hiện các phép nghiên cứu chưa từng thành công trước đó.

Tế bào của Lacks được sử dụng để tăng cường hiểu biết về bệnh ung thư cổ tử cung từng cướp đi mạng sống của cô. Năm 1985, các nhà khoa học Đức, đứng đầu là học giả Nobel Harald zur Hausen phát hiện tế bào HeLa chứa nhiều bản sao của virus papilloma 18 ở người (HPV-18), một chủng virus nguy hiểm gây ung thư cổ tử cung. Phát hiện mở đường cho việc phát triển vaccine HPV nhiều thập kỷ sau. Hiện nay, vaccine HPV rất phổ biến, giúp tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ giảm 2/3. Tế bào HeLa còn được dùng để phát triển phương pháp điều trị làm chậm tốc độ phát triển của ung thư.

 Henrietta Lacks qua đời do bệnh ung thư cổ tử cung năm 1951.
Henrietta Lacks qua đời do bệnh ung thư cổ tử cung năm 1951. (Ảnh: Henrietta Lacks Foundation).

Tế bào HeLa cũng gián tiếp tăng cường hiểu biết của con người về vũ trụ. Từ năm 1964, tế bào HeLa được đưa vào không gian để nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ và du hành không gian lên tế bào con người.

Mặc dù các tế bào của Henrietta đã đóng góp rất lớn vào thành tựu y học của nhân loại, gia đình cô không hề biết điều này. Suốt 6 thập kỷ, chồng cô và năm đứa con vẫn sống trong nghèo đói mà không nhận được một khoản tiền nào cho những đóng góp của tế bào Henrietta. Phải đến năm 2013, Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kì mới bắt đầu ghi nhận những đóng góp của cô và có những động thái hỗ trợ những người còn lại trong gia đình Henrietta.

Cập nhật: 11/08/2023 Theo Trí Thức Trẻ/vne
  • 3,73
  • 3.409