Cơn đau tim làm xuất hiện cơn đau ở vùng ngực lan sang tay trái, vai, hàm..., còn cơn đau do hoảng loạn tập trung giữa ngực.
Cơn hoảng loạn và đau tim thường có những triệu chứng tương tự nhau như đau ngực, đổ mồ hôi, nhịp thở không đều, buồn nôn... Thực tế, một cơn đau tim có thể gây hoảng loạn nên mọi người thường được chẩn đoán nhầm.
Vậy làm sao để phân biệt được cơn đau tim và cơn hoảng loạn? Bright Side giúp bạn phân biệt để có cơ sở phòng và điều trị bệnh tốt nhất. Dưới đây là cách nhận biết dấu hiệu của cơn đau tim khác thế nào so với cơn hoảng loạn.
Dấu hiệu của cơn đau tim
Người bị cơn đau tim tấn công thường xuất hiện cơn đau co thắt ngực.
Người bị cơn đau tim tấn công thường xuất hiện cơn đau co thắt ngực. Theo nguyên tắc, cơn đau xuất hiện ở giữa ngực và có thể di chuyển xuống theo cánh tay trái và dọc sống lưng. Thậm chí, cơn đau cũng có thể lan đến cổ, răng, và vùng hàm.
Cường độ cơn đau có thể thay đổi. Cơn đau kéo dài hơn 5 phút nhưng không ảnh hưởng đến hơi thở.
Cảm giác đau nhói như kim châm xuất hiện hầu hết ở khu vực cánh tay trái. Điều này thường đi kèm với một vài triệu chứng nữa như mồ hôi lạnh, cảm giác buồn nôn.
Đỉnh điểm của cơn đau tim, người bệnh thường trải qua nỗi sợ hãi và họ lo sợ sẽ chết. Vì vậy, nếu bạn có những triệu chứng này trong khoảng 5 phút hoặc nhiều hơn, hãy gọi xe cứu thương. Nếu bạn không thể, hãy nhờ mọi người đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
Dấu hiệu cơn đau do hoảng loạn
Người bệnh khi hoảng loạn thường đau tập trung ở vùng ngực, không lan sang các bộ phận khác.
Hoảng loạn cũng có thể là nguyên nhân gây ra những cơn đau ngực. Người bệnh khi hoảng loạn thường đau tập trung ở vùng ngực, không lan sang các bộ phận khác. Cơn đau thường âm ỉ và kèm theo các triệu chứng lo lắng, tim đập nhanh, khó thở. Các triệu chứng của một cuộc tấn công do hoảng loạn thường kéo dài đến 10 phút sau đó giảm dần.
Cảm giác tê bì có thể xuất hiện khi người bệnh bị hoảng loạn. Nó không chỉ tê ở cánh tay trái mà còn có thể ở cánh tay phải, chân và các ngón tay. Khi bị hoảng loạn, người ta có cảm giác như ngộp thở hoặc nghĩ rằng mình bị điên.
Nếu bạn bị đau tức vùng ngực mà vẫn không thể phân biệt được là do hoảng loạn hay đau tim, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức. Chờ đợi không phải là giải pháp tốt nhất trong cả hai trường hợp. Nếu lên cơn đau tim, bạn có thể chết khi không được điều trị kịp thời. Trường hợp không có sự hỗ trợ y tế trong cơn hoảng loạn cũng sẽ khiến các triệu chứng tồi tệ hơn và dẫn đến hoảng loạn xảy ra thường xuyên hơn. Kiểm tra kịp thời và được chăm sóc sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của bạn.