2 phương thức được xem là hợp lý nhất để tạo ra các "siêu chiến binh" là chế tạo các bộ giáp tăng cường sức mạnh và chỉnh sửa gene để thay đổi thể chất con người.
Với túi tiền không đáy và mong muốn nâng cao sức mạnh quân sự, quân đội các nước vẫn đang chạy đua cải tiến công nghệ và không ngừng thử nghiệm các loại vũ khí mới.
Cuộc đua Mỹ - Trung
Năm 2014, tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố với báo giới: “Tôi ở đây để tuyên bố chúng tôi đang phát triển Iron Man”. Đã có những tiếng cười nhưng ông Obama hoàn toàn nghiêm túc: quân đội Mỹ khi đó xây dựng một dự án có tên TALOS (Tatical Assault Light Operation Suit). Một đoạn video quay cảnh thử nghiệm bộ trang phục này cũng đã được đăng tải trên mạng.
Bộ giáp "Iron Man" được thử nghiệm vào năm 2014 của quân đội Mỹ. (Ảnh: BBC).
Iron Man phiên bản đời thực không dễ tạo ra như vậy. 5 năm sau, dự án này không còn được nhắc đến nhưng những người tạo ra nó vẫn hy vọng có thể ứng dụng vào một công việc nào đó.
Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo con người sẽ sớm tạo ra thứ gì đó “tồi tệ hơn cả bom hạt nhân”. “Bạn có thể tưởng tượng con người sẽ tạo một người khác với một vài đặc tính. Đó có thể là nhà toán học đại tài, nhạc sĩ hoặc binh sĩ - người có thể chiến đấu mà không sợ hãi, tiếc nuối hay đau đớn”.
Năm ngoái, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe lên tiếng cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc: “Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm rất nhiều trên con người với hy vọng tạo ra các binh sĩ với sức mạnh thể chất đặc biệt”, ông viết trên WSJ. Trung Quốc gọi bài báo này là “sai lầm”.
Tham vọng và thực tế
Sở hữu một (hoặc nhiều) siêu chiến binh là mong ước của quân đội nhiều nước. Hãy thử tưởng tượng về một binh sĩ có thể chịu đựng đau đớn, thời tiết khắc nghiệt hoặc không cần ngủ nghỉ. Mặc dù mong muốn tạo ra Iron Man phiên bản đời thực, các rào cản về mặt công nghệ có thể kéo tham vọng của họ xuống mặt đất.
Tài liệu từ năm 2019 của Mỹ cho biết quân đội Trung Quốc đã “tích cực khai thác” các kỹ thuật như chỉnh sửa gene, chế tạo giáp hay lai tạo con người và máy móc.
Chỉnh sửa gene để tạo ra sự ưu việt về mặt thể chất cho con người là một cách khai thác khác để tạo ra các "siêu chiến binh". (Ảnh: BBC).
Elsa Kania, đồng tác giả với cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ trong bài báo trên WSJ tỏ ra thận trọng: “Điều quan trọng là cần phân biệt giữa những gì Trung Quốc muốn làm và những gì được đưa vào thực tế. Khoảng cách giữa chúng là rất lớn. Mặc dù quân đội các nước thực sự hào hứng với các siêu chiến binh, đến cuối cùng họ cần biết khoa học có cho phép điều đó hay không”.
Ông Ratcliffe tin rằng Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm trên người trưởng thành, dùng kỹ thuật biến đổi gene. Đây được xem là cách hợp lý nhất để tạo ra các siêu chiến binh.
Bác sĩ Hlen O’Neil - chuyên nghiên cứu về phân tử gene tại Đại học London cho biết: “Các công nghệ chỉnh sửa gene đang được sử dụng ngày càng thường xuyên trong nông nghiệp. Chỉ là việc sử dụng nó cho con người vẫn bị xem là phi đạo đức vào thời điểm hiện tại”.
Vào năm 2018, nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui đưa ra một tuyên bố gây chấn động - ông đã thay đổi thành công DNA trong phôi thai của một cặp bé gái sinh đôi để tránh cho các bé bị nhiễm HIV. Tuyên bố này đã gây ra phẫn nỗ. Việc chỉnh sửa gee bị cấm ở hầu hết quốc gia, bao gồm Trung Quốc. Nhà khoa học này sau đó phải vào tù vì vi phạm lệnh cấm của chính phủ.
Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là một bước ngoặt của ngành sinh học. He Jiankui sử dụng công nghệ có tên Crispt để tạo ra cặp sinh đôi - một cách để tạo ra những thay đổi một cách chính xác trên DNA có trong tế bào sống. Nó mang đến tiềm năng lớn, chủ yếu trong việc điều trị bệnh.
Chiristophe Galichet - nhà nghiên cứu cao cấp tại Học viện Francis Crick (London, Anh) gọi Crispr là “cuộc cách mạng”. Tuy nhiên, nó vẫn có hạn chế. Ông so sánh nó với cách chúng ta tìm và thay thế các đoạn trong văn bản. Bạn có thể đổi một vài câu chữ để thay đổi ngữ nghĩa trong đoạn văn này, nhưng lại không hợp lý với đoạn văn khác.
Mỹ, Trung Quốc đang dẫn đầu, hoặc ít nhất được biết đến là những quốc gia dẫn đầu trong những nghiên cứu, thử nghiệm để tăng cường sức mạnh cho binh sĩ.
“Sẽ là sai lầm nếu nghĩ một gene sẽ tạo ra một ảnh hưởng”, ông nói. “Nếu bạn thay đổi 1 genee, bạn có thể tạo ra một người có cơ bắp mạnh mẽ hơn hoặc hít thở tốt ở độ cao. Nhưng trong tương lai, người đó có thể bị ung thư”. Đó là chưa kể, có thể có rất nhiều gene ảnh hưởng đến một tố chất nào đó của con người, đồng nghĩa để tạo thay đổi một tố chất, bạn sẽ phải chỉnh sửa, thay thế nhiều gene.
Các nhà khoa học tin rằng nỗ lực của Trung Quốc là câu trả lời cho thông tin vào năm 2017 trên Guardian cho rằng Mỹ đã chi hàng chục triệu USD vào công nghệ tuyệt chủng gene, thứ có thể quét sạch nhiều loài sinh vật.
Trung Quốc và Mỹ không phải các quốc gia duy nhất có thành tựu về vấn đề này. Chính phủ Pháp cũng đã bật đèn xanh để quân đội phát triển những “chiến binh mạnh mẽ”. Bộ trưởng quốc phòng Florence Parly nói: “Chúng ta phải đối mặt với thực tế. Không ai chia sẻ với lo lắng của chúng ta và chúng ta phải chuẩn bị cho bất cứ tình huống nào trong tương lai”.