Tham vọng siêu chiến binh “nửa người nửa máy”

  •  
  • 2.128

Với những tiến bộ trong y học và công nghệ, sự xuất hiện của các binh sĩ với năng lực “siêu nhân” không còn là chuyện giả tưởng nữa.

Trong vòng 30 năm nữa, binh sĩ Anh và Mỹ sẽ có thể mang vác khối lượng hơn 90kg, chạy hàng chục km với tốc độ không thay đổi, nhìn thấu đêm đen và liên lạc chỉ bằng ý nghĩ. Viễn cảnh tưởng như chỉ có trong phim ảnh này đã được bàn thảo hết sức nghiêm túc và đánh giá là khả thi trong một hội nghị gần đây của Bộ Quốc phòng Anh (MoD).

Theo tờ Daily Mail, hội nghị do Trung tâm phát triển ý tưởng và học thuyết, một đơn vị rất bí mật của MoD, tổ chức và quy tụ nhiều chuyên gia, quan chức cũng như đại diện các tập đoàn vũ khí. Hội nghị kết luận rằng đến năm 2045, những đột phá trong khoa học kỹ thuật và y khoa có thể tạo ra một lớp chiến binh “nửa người nửa máy”, đủ để thay đổi bộ mặt của chiến tranh.

Tham vọng siêu chiến binh “nửa người nửa máy”
Ảnh: Daily Mail/Đồ họa: Hồng Sơn

Cấy chip vào não

Theo Daily Mail, giới quân sự đang hết sức quan tâm về các nghiên cứu tại Anh và Mỹ cho thấy công nghệ cấy ghép có thể mang lại thị lực siêu nhiên cho con người. Hồi tháng 2, Bệnh viện John Radcliffe ở Oxford (Anh) đã thành công trong việc cải thiện thị lực cho nhà vô địch Paralympic môn bơi lội Tim Reddish, người đã mù suốt 17 năm. Bác sĩ đã cấy con chip 3mm với 1.500 tế bào nhạy sáng vào võng mạc Reddish. Khi ánh sáng vào mắt và chạm đến con chip, nó kích hoạt các tế bào nhạy sáng để chuyển tín hiệu về não, cho phép thấy được phần nào. Các chuyên gia quân sự tin rằng nếu được nghiên cứu và phát triển thêm, công nghệ này sẽ giúp binh sĩ có được “thị giác hồng ngoại”, nhìn rõ trong bóng tối để phát hiện và tiêu diệt sớm đối phương, thậm chí có thể “thấy” từ trường để tránh mìn và radar theo dõi.

Bên cạnh đó, cấy thiết bị vào não còn có thể giúp thao túng sóng não theo hướng tăng cường sức hoạt động. Bộ Quốc phòng Anh gọi đây là công nghệ “gia cố con người, nâng cấp trí thông minh và trí nhớ cũng như khả năng “thần giao cách cảm”. Từ đó, binh sĩ có thể dùng ý nghĩ để điều khiển thiết bị điện tử và liên lạc với nhau. Tại hội nghị nói trên, các đại biểu cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách đồng bộ hóa sóng gamma (tạo ký ức) và sóng theta (biến ký ức ngắn hạn thành dài hạn) nhằm giúp binh sĩ tăng cường trí nhớ và khả năng truy xuất thông tin. Các thí nghiệm ban đầu trên chuột cho những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên vấn đề trên chắc chắn sẽ còn được cân nhắc về tính nhân văn.

Quân đội cũng để mắt tới máu nhân tạo sau khi các chuyên gia của ĐH Sheffield (Anh) tuyên bố đã mô phỏng thành công huyết cầu và truyền cho 98% số người tham gia thí nghiệm. Từ đó, các nhà khoa học quân sự tràn trề hy vọng sẽ sớm chế được loại máu có khả năng làm lành vết thương nhanh chóng cũng như tăng khả năng chuyên chở ô xy và dưỡng chất, thúc đẩy năng lực cơ bắp và trí não.

Cũng theo Daily Mail, ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã công bố nghiên cứu mới về chuột biến đổi gene được cường hóa sức mạnh cơ bắp thêm 30% và có khả năng chạy gấp 6 lần chuột thường mà không mệt mỏi. Nếu can thiệp vào cơ thể vẫn chưa đủ thì đã có bổ trợ từ bên ngoài. Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đang phát triển thiết bị trợ lực làm bằng kim loại cực nhẹ và rất linh hoạt nhờ các khớp nối công nghệ cao. Thiết bị này được đeo dọc theo tay chân và các cảm biến siêu nhỏ sẽ thu lại chuyển động của cơ thể rồi phối hợp với hệ thống đẩy trợ lực để giúp binh sĩ chạy, nâng vật nặng... Các phiên bản đầu tiên đang được thử nghiệm trên chiến trường Afghanistan.

Theo Thanh Niên
  • 2.128