Hàng nghìn năm trước, khi các nông dân đầu tiên phát hiện giá trị của phân, họ đã góp phần vào thành công lâu dài của ngành nông nghiệp. Văn minh nhân loại cũng phát triển từ đây.
Lược dịch bài viết trên tờ Wired của Harold McGee, tác giả người Mỹ chuyên viết về lịch sử khoa học thực phẩm và ẩm thực.
Tôi lớn lên ở ngoại ô Chicago, Mỹ những năm 1950. Sau bữa tối chủ nhật no nê món thịt bò nướng, ba mẹ thường chở bốn anh em chúng tôi về vùng nông thôn để hóng mát. Lúc ấy, chúng tôi khó mà tin được món thịt bò ngon lành mình vừa ăn lại đến từ những nông trại bốc mùi phân nồng nặc.
Con người thường thấy phân động vật là thứ gì đó rất ghê tởm, nhưng đây không phải là phản xạ tự nhiên mà là thứ ta học được trong quá trình trưởng thành. Trẻ nhỏ không thấy khó chịu với phân. Vài loài động vật có vú, kể cả các loài linh trưởng có họ hàng với con người thậm chí còn ăn phân.
Thỏ và một số động vật ăn cỏ khác nhận được vitamin B12 bằng cách ăn lại phân mềm vừa thải ra. Lúc đó, phân của chúng giàu chất dinh dưỡng sau khi được các vi khuẩn đường ruột xử lý.
Mùi hôi của phân phần lớn đến từ các vi khuẩn kỵ khí trong hệ tiêu hóa. Vi khuẩn ăn các chất dư thừa còn sót lại sau khi cơ thể tiêu hóa, hấp thụ những chất dư thừa của cơ thể, tế bào hay chất nhầy của hệ thống tiêu hóa.
Phản ứng của con người cho rằng phân động vật ghê tởm là thứ chúng ta học được trong quá trình trưởng thành. (Ảnh: Dailyjstor).
Đường ruột của các loài động vật là một trong những nơi có mật độ vi khuẩn cao nhất thế giới. Số lượng vi khuẩn đó hoạt động tạo ra các chất dễ bay hơi có phân tử nhỏ và nhẹ, dễ khuếch tán vào không khí. C6H4(OH)CH3 và C9H9N là hai chất dễ bay hơi có trong chất thải, sự kết hợp của chúng gây ra hỗn hợp mùi khó chịu giống xác thối.
Mùi của phân động vật nồng nặc là do sự hiện diện phong phú của các phân tử cacbon, lưu huỳnh và nitơ. Do đó, giá trị dinh dưỡng của phân đối với các sinh vật khác rất lớn.
Hàng nghìn năm trước, khi những người nông dân đầu tiên phát hiện ra giá trị của phân, họ đã góp phần vào thành công lâu dài của ngành nông nghiệp. Kéo theo đó là sự phát triển của văn minh nhân loại.
Dấu hiệu của lao động
Tổ tiên thời kỳ đồ đá của chúng ta chắc hẳn rất quen thuộc với mùi phân. Các thợ săn sẽ sử dụng những mùi này để xác định vị trí con mồi. Khoảng 10.000 năm trước, các cộng đồng định cư đầu tiên đã thuần hóa dê, cừu, gia súc và ngựa để lấy sữa, thịt, lông và da cũng như sức mạnh cơ bắp của chúng để kéo cày, phục vụ cho nông nghiệp.
Các di tích khảo cổ học chỉ ra phân của những loài động vật này được sử dụng làm vật liệu xây dựng và nhiên liệu đốt. Tác dụng này của phân vẫn còn được dùng đến ngày nay ở các vùng kém phát triển.
Họ còn dùng hun đốt phân để ngăn sâu bọ phá hoại mùa màng hoặc giải trí bằng cách ném phân bò. Mùi của chất bài tiết từng tràn ngập trong cuộc sống người nông dân thuở sơ khai.
Vào một thời điểm nào đó trong lịch sử, những người nông dân cổ đại thấy rằng khi phân hòa vào đất sẽ cải thiện sự phát triển và năng suất cây lương thực. Các nhà khảo cổ học phát hiện việc bón phân đã có từ 7.000 năm trước ở Hy Lạp và Trung Âu.
Mùi phân là dấu hiệu của lao động, của hình thức canh tác cơ bản nhất. (Ảnh: Wikipedia).
Vì thế, mùi phân là dấu hiệu của lao động, của hình thức canh tác cơ bản nhất. Bón phân là quá trình tái dưỡng đất đai tiếp tục nuôi sống con người.
Phân chuồng nhẹ, nhuyễn, ít hăng hơn so với phân tươi, thường được làm bằng cách trộn phân với rơm rạ, phụ phẩm thức ăn chăn nuôi và được ủ trong một thời gian để ít cô đặc, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
Việc bổ sung vật liệu có hàm lượng nitơ thấp như rơm, cộng thêm các tiếp xúc không khí và ủ trong thời gian dài để vi khuẩn hiếu khí sinh sôi đã giúp giảm hàm lượng amoniac, amin và sunfua gây mùi. Đây là loại mùi chúng ta thường ngửi thấy ở các vùng nông thôn, vườn ươm thực vật. Dù không mấy dễ chịu, mùi phân chuồng lại không quá nồng nặc.
Mùi gây khó chịu nhất chính là phân thô phát ra từ các trang trại chăn nuôi tập trung. Các trang trại này nuôi lượng lớn động vật, từ hàng trăm đến hàng trăm nghìn con, trong diện tích nhỏ hẹp.
Nguồn cung thịt và sữa từ các trang trại này chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp chăn nuôi vài thập kỷ qua. Hàng chục nghìn con bò nuôi nhốt ở đây, mỗi con tạo ra khoảng 30 kg chất thải mỗi ngày, lượng phân của chúng vì thế bốc mùi hàng km.
C6H4(OH)CH3 là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có trong chất thải động vật, cũng có trong khói thuốc lá, gây hại cho tế bào phổi. Metan có trong chất thải sau khi phân hủy là loại khí dễ cháy, có thể gây ra nổ. Một số người làm ở các trang trại tại Mỹ thiệt mạng bởi khí thải này.
Do chủ các trang trại thường tìm cách xử lý chất thải ít tốn kém như đổ vào các bể phốt lộ thiên hay rải trực tiếp lên các cánh đồng, khí thải này dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe những người sống gần đó, cũng như ô nhiễm đất và nguồn nước.
Phát triển dân số bằng phân bón
Mùi phát ra từ các trang trại tập trung là mùi của nền nông nghiệp công nghiệp hóa hiện đại, khác hẳn với mùi phân bón cả về chất lượng và ý nghĩa.
Dù cùng là chất hữu cơ, sản phẩm từ hoạt động sống của sinh vật, mùi C6H4(OH)CH3 thể hiện sự đứt gãy trong quá trình tuần hoàn của nền nông nghiệp truyền thống: khai thác chất dinh dưỡng từ đất rồi trả lại cho đất những vật chất ấy để tiếp tục nuôi sống con người. Chúng là mùi của các chất hữu cơ, dạng năng lượng bị cô lập và cách ly khỏi chu kỳ sống của Trái Đất.
Những trang trại lớn ở Mỹ không tự ủ phân chuồng để làm phân bón vì không hiệu quả về mặt kinh tế. Vào thế kỷ 19, các nhà hóa học biết được trong phân bón, phần nào là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng.
Mùi phân phát ra từ các trang trại tập trung là mùi của nền nông nghiệp công nghiệp hóa hiện đại, khác hẳn với mùi phân bón cả về chất lượng và ý nghĩa. (Ảnh: Todayville).
Đến đầu thế kỷ 20, hai nhà hóa học người Đức là Fritz Haber và Carl Bosch đã tìm ra cách sản xuất muối amoniac, loại phân hóa học từ nitơ trong không khí.
Từ đó, phân bón hóa học lên ngôi, góp phần tăng năng suất nông nghiệp, dẫn đến dân số loài người tăng mạnh. Ngày nay trên khắp thế giới, phân hóa học được sử dụng nhiều gấp 5 lần phân chuồng.
Sự ra đời và thành công của phân tổng hợp vừa có lợi, vừa có hại. Chúng thúc đẩy nền văn minh phát triển, sản sinh ra nhiều công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng là tác nhân sâu xa gây tác động xấu đến thế giới sinh vật.
Khai thác đất nông nghiệp quá mức, cướp đi môi trường sống tự nhiên của vô số sinh vật để nuôi sống hàng tỷ dân cư Trái Đất. Đó là chưa kể lối hành xử vô nhân đạo với động vật, ô nhiễm đất, không khí và nước, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu...Tất cả tác động xấu này được thể hiện qua mùi hôi từ các trang trại lớn khắp thế giới. Đó là mùi hương gợi nhớ, cũng là nhắc nhở loài người về chính mình và cả giới tự nhiên.