Cai nghiện cocaine bằng tia laser

Công trình của các nhà khoa học Thụy Sĩ vừa được công bố trên chuyên san Nature đã mở ra hướng đi mới cho việc cai nghiện cocaine.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Genève do giáo sư Christian Lüscher đứng đầu đã thử nghiệm thành công việc xóa mọi “vết tích” của cocaine trên não bộ của chuột. Đây là bước tiến tiếp theo của phát hiện từ năm 2009, cũng của nhóm Lüscher, về cơ chế khiến người nghiện khó dứt bỏ được cocaine. Có 2 cơ chế gây nghiện cần được phân biệt rõ. Thứ nhất, với các chất như heroin, morphine, cồn…, người nghiện bị phụ thuộc về mặt thể lý, có thể lên cơn vật vã khi thiếu “thuốc”. Cơ chế thứ hai làm người nghiện phụ thuộc về mặt tâm lý và sinh lý, thường cảm thấy “nhớ nhung” chất gây nghiện đến mức mất kiểm soát hành vi. Việc cai nghiện cocaine gặp khó khăn rất nhiều vì ở cơ chế thứ hai, não bộ đã bị để lại những dấu ấn khó phai mờ.

Theo nhóm nghiên cứu của Lüscher, cơ chế 2 tấn công vào một phần của não bộ có nhiệm vụ giúp ghi nhớ và “khuyến khích” những việc mang tính sống còn như ăn uống, tình dục… Với một hành động có lợi lần đầu xảy ra (như nhấn nút vào máy để chọn đồ ăn), não bộ sẽ sản xuất dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh có khả năng tạo cảm giác hưng phấn và dẫn đến sự thay đổi về hành vi. Nhờ chất dẫn truyền thần kinh, các thông tin được ghi nhận ở vùng chỏm não (ventral tegmental area - VTA) thuộc não giữa sẽ được trao đổi với vùng thuộc não trước gọi là nucleus accumbens, đánh dấu cảm giác “hài lòng” với điều kiện để hành động có lợi diễn ra. Giáo sư Lüscher cho biết: “Khi cơ thể đã quen và ghi nhớ, dopamine sẽ không còn được tiết ra nữa. Tuy nhiên, quá trình này luôn được kích hoạt vào mỗi lần dùng cocaine, dần dà sẽ gây nghiện”.

Xóa bỏ “ký ức cocaine”

Cocaine làm tăng lượng dopamine và một số cơ quan thụ cảm để nâng lượng thông tin trao đổi giữa 2 vùng nói trên lên và để lại dấu ấn lên bộ não. Dấu ấn này sẽ ngày càng được khắc sâu nếu chất gây nghiện được dùng thường xuyên trong thời gian dài. Vì vậy, người nghiện sẽ “lối cũ ta về” dù vừa được cai lâu dài.

Trước đây, một số biện pháp đã được thử nghiệm để xóa bỏ “vết tích” độc hại của cocaine, chẳng hạn kích thích điện ở một số vùng của bộ não. Tuy nhiên cách làm này không giúp nhận định mục tiêu một cách chính xác. Nhóm của Lüscher đã đưa ra phương pháp trị liệu trên chuột nghiện cocaine hiệu quả hơn: đưa vi rút (không có khả năng gây hại) có chứa channelrhodopsin, một loại protein nhạy cảm với ánh sáng vào nơ ron thần kinh. Channelrhodopsin sau khi được vi rút ghép vào nơ ron sẽ giúp các nhóm nghiên cứu kiểm soát phản ứng của các tế bào thần kinh nhờ tia laser. Khi được kích thích bằng số lần chiếu thích hợp, việc chuyển đổi thông tin giữa 2 vùng VTA-nucleus accumbens sẽ trở lại mức ban đầu. Chuột được “cai nghiện” bằng laser sau đó phản ứng với cocaine như thể chưa hề gặp qua chất này. Nói cách khác, “ký ức cocaine” đã được xóa bỏ.

Kết quả này được các chuyên gia về thần kinh học đánh giá rất cao nhưng vẫn cần được nghiên cứu sâu hơn. Trước tiên, những chú chuột sau khi qua xử lý với tia laser chỉ được theo dõi vài tháng, vì vậy cần có thêm thời gian lâu dài hơn để khẳng định hiệu quả sẽ không thay đổi. Mặt khác, việc đưa vi rút vào nơ ron thần kinh của con người sẽ không thể được áp dụng nếu như chưa chắc chắn sẽ không gây ra bất cứ phản ứng phụ nào.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video