Các nhà công nghệ sinh học Nhật đã tạo ra được tinh trùng chuột trong phòng thí nghiệm bằng cách chuyển hoá tế bào gốc của chúng. Từ tế bào này, họ đã cho sinh sản được một bầy chuột con rất khoẻ mạnh.
>>> Phát hiện mới mang lại hy vọng cho người vô sinh
>>> Đua tinh trùng
Đầu tiên từ tế bào gốc, người ta đã tạo ra được tế bào sinh dục gốc (gonocyte), sau đó cấy tế bào này vào những con chuột vô sinh. Những con chuột ấy trở thành một cơ thể - lò ấp (organism-incubator) để tại đó những tế bào trưởng thành, thành tinh trùng. Dùng tinh trùng thu được để thụ tinh cho tế bào trứng thành phôi, và cấy phôi vào tử cung chuột cái.
"Tinh trùng nhân tạo" có thể cải tạo giống nòi trong tương lai?
Thông qua một chuỗi các thao tác như thế, những con chuột con rất khoẻ mạnh đã ra đời, lớn lên lại thành một quần thể, đủ cả đực lẫn cái, tiếp tục sinh ra những thế hệ sau có những chỉ số về cơ thể và sức khoẻ hoàn hảo.
Theo các chuyên gia, thành công của các nhà khoa học Nhật đã giúp ta hiểu rõ hơn nguyên nhân xuất hiện những vấn đề (trục trặc) về quá trình thụ thai và cho phép tìm ra những cách chữa mới chứng vô sinh ở nhiều người.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Kyoto, công bố công trình của mình trên Tạp chí Cell đã nhấn mạnh: "Những nghiên cứu của chúng tôi là bước đi đầu tiên đi tới cơ chế của quá trình sinh bào tử (gametogenesis - tức quá trình hình thành tinh trùng và trứng) trong ống nghiệm. Từ đó tìm ra được cách chữa bệnh vô sinh ở nhiều người”.
Có những người thông qua thành công này, đã nghĩ đến một điều “viễn tưởng”: Liệu có thể áp dụng nó để cải tạo sức khoẻ và tầm vóc cho các thế hệ tương lai của một dân tộc, và nếu làm như vậy, nó vi phạm gì về mặt đạo đức sinh học?