Hội chứng chân không yên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

  •  
  • 352

Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome - RLS) đặc biệt gia tăng khi thời tiết chuyển mùa - và đây là những gì bạn cần lưu ý.

1. Hội chứng chân không yên là gì?

Hội chứng chân không yên (RLS), còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một chứng rối loạn vận động và rối loạn giấc ngủ phổ biến gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu và không thoải mái ở chân khiến bạn khó cưỡng lại ý muốn di chuyển hay cử động chân. Đối với hầu hết người mắc hội chứng chân không yên thì sự thôi thúc chuyển động càng mãnh liệt hơn khi bạn đang muốn nghỉ ngơi hoặc cố gắng ngủ.

Nhìn chung RLS được xếp vào chứng rối loạn cảm giác thần kinh với những triệu chứng hình thành từ chính não bộ.

Theo Healthline, khoảng 80% những người mắc hội chứng chân không yên gặp phải một tình trạng liên quan gọi là rối loạn chuyển động chân tay có chu kì (Periodic limb movement of sleep - PLMD). Đó là sự co giật hoặc đá lặp lại của các chi dưới hoặc chi trên cứ sau 1 - 40 giây trong khi ngủ, thường làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm (có thể diễn ra trong suốt đêm) và gây buồn ngủ ban ngày.

Hội chứng chân không yên có khỏi được không? Câu trả lời là không. Hội chứng chân không yên là tình trạng kéo dài suốt đời và không có cách điều trị dứt điểm nhưng các biện pháp kiểm soát triệu chứng có thể giúp người mắc cảm thấy dễ chịu hơn và giảm tác động tới chất lượng giấc ngủ.


Hội chứng chân không yên (RLS), còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một chứng rối loạn vận động và rối loạn giấc ngủ phổ biến. (Ảnh: Internet).

2. Các biểu hiện của hội chứng chân không yên

Triệu chứng nổi bật nhất của hội chứng chân không yên chính là cảm giác muốn cử động chân bị thôi thúc quá mức, đặc biệt là khi bạn ngồi yên hoặc đang nằm nghỉ trên giường và cố ngủ. Ngoài ra bạn cũng có thể cảm thấy những cảm giác bất thường khác như cảm giác ngứa ran, kiến bò hay muốn căng kéo bắp chân để giảm những cảm giác này.

Nếu bạn bị hội chứng chân không yên ở mức độ nhẹ, các triệu chứng này có thể không xảy ra hàng đêm và nhiều người bị nhầm lẫn sự bồn chồn ở chân này là do căng thẳng hoặc lo lắng. Những triệu chứng này sẽ đến rồi đi.

Ở người bị hội chứng chân không yên mức độ nghiêm trọng hơn thì việc ngồi yên xem một bộ phim hay ngồi trên máy bay, di chuyển đường dài cũng gặp nhiều khó khăn.

Khó ngủ và mất ngủ do các triệu chứng rõ ràng hơn vào ban đêm khiến người mắc bị buồn ngủ hơn vào ban ngày, mệt mỏi và thiếu ngủ dẫn tới các tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.

Những triệu chứng của hội chứng chân không yên có thể xảy ra và ảnh hưởng tới cả hai bên cơ thể, nhưng cũng có người chỉ gặp triệu chứng này ở một bên. Các bộ phận cơ thể thường bị ảnh hưởng nhất bao gồm cả cánh tay và đầu. Các triệu chứng cũng có thể nặng hơn theo tuổi tác.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên

Theo Healthline, có khoảng 40% người mắc chứng chân không yên có liên quan tới tiền sử gia đình (yếu tố di truyền) và các triệu chứng này thường bắt đầu trước tuổi 40.

Lượng sắt trong não thấp cũng có thể liên quan tới hội chứng chân không yên (xét nghiệm máu vẫn cho thấy chỉ số sắt ở mức bình thường).

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chân không yên.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chân không yên. (Ảnh: Internet).

Sự gián đoạn trong việc dẫn truyền dopamine trong não cũng có liên quan tới hội chứng chân không yên, chẳng hạn như bệnh Parkinson - điều này phần nào giải thích được tại sao nhiều người bị Parkinson gặp phải chứng RLS. Dopamine tham gia vào việc kiểm soát chuyển động của cơ và có thể là nguyên nhân gây ra các cử động chân không tự nguyện liên quan đến hội chứng chân không yên.

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì một số chất kích thích như caffein hoặc rượu có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chúng này.

Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị dị ứng, buồn nôn, trầm cảm và rối loạn tâm thần, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng chân không yên.

Mặt khác, hội chứng chân không yên cũng có thể là một "nhánh" của một vấn đề sức khỏe hiện có khác như bệnh thần kinh, tiểu đường hay bệnh suy thận. Trong trường hợp này thì việc xử lý và điều trị tình trạng bệnh chính có thể giải quyết được vấn đề về hội chứng chân không yên.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chân không yên

Có một số điều kiện nhất định có thể khiến bạn có rủi ro gặp phải hội chứng chân không yên cao hơn người khác, các yếu tố đáng để cân nhắc theo Healthline bao gồm:

  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc RLS cao gấp đôi nam giới
  • Tuổi tác: Mặc dù RLS có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hội chứng chân không yên có xu hướng phổ biến và nghiêm trọng hơn sau tuổi trung niên
  • Tiền sử gia đình: Yếu tố di truyền được xếp là một trong những rủi ro làm tăng nguy cơ mắc RLS nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh này
  • Mang thai: Một số phụ nữ mắc hội chứng chân không yên khi mang thai, đặc biệt trong 3 tháng cuối nhưng triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất trong vài tuần sau sinh
  • Bệnh lý mãn tính: Các tình trạng bệnh mãn tính như bệnh liên quan tới dây thần kinh ngoại biên, bệnh tiểu đường và suy thận có thể dẫn tới RLS, việc điều trị các tình trạng này sẽ góp phần giảm nhẹ hội chứng RLS kèm theo
  • Thuốc: Các loại thuốc chống buồn nôn, chống loạn thần, chống trầm cảm và thuốc kháng histamine có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng chân không yên.

Nếu bạn bị mắc hội chứng chân không yên và thiếu ngủ mãn tính, bạn cũng có nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, bệnh thận, trầm cảm và tử vong cao hơn.

5. Chẩn đoán hội chứng chân không yên

Không có một xét nghiệm nào được dùng để xác nhận hoặc loại trừ hội chứng chân không yên. Phần lớn các chẩn đoán sẽ dựa trên mô tả các triệu chứng mà bạn gặp phải bao gồm:

  • 1. Sự thôi thúc muốn di chuyển quá mức đi kèm cảm giác bồn chồn, bứt rứt và khó chịu
  • 2. Các triệu chứng này trở nặng hơn vào ban đêm, nhẹ hơn hoặc biến mất vào đầu ngày
  • 3. Các triệu chứng bị kích hoạt khi bạn cố gắng thư giãn, nghỉ ngơi hoặc cố gắng ngủ
  • 4. Các triệu chứng giảm bớt khi bạn di chuyển.

Ngay cả khi các điều kiện trên đáp ứng thì bạn vẫn cần thăm khám sức khỏe để loại trừ các lý do thần kinh khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Đừng quên nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, tình trạng giấc ngủ, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình,... Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định để đánh giá và kiểm tra định lượng sắt hay các thiếu hụt dinh dưỡng bất thường khác.

6. Các biện pháp điều trị giảm nhẹ hội chứng chân không yên tại nhà

Các biện pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại nhà mặc dù không thể giúp loại bỏ hoàn toàn nhưng có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn, bạn có thể thử 1 hoặc nhiều biện pháp đối phó để tìm ra phương thức phù hợp nhất với tình trạng bản thân:

  • Giảm hoặc bỏ việc nạp caffein, rượu hay hút thuốc lá
  • Cố gắng đi ngủ - thức dậy với khung giờ đều đặn mỗi ngày và mỗi tuần và giữ vệ sinh giấc ngủ đảm bảo bao gồm nhiệt độ phòng mát mẻ, phòng đủ tối, chăn gối sạch sẽ,...
  • Tập thể dục mỗi ngày chẳng hạn như đi bộ hoặc bơi lội, yoga hoặc thiền định cũng giúp hỗ trợ giấc ngủ
  • Massage hoặc kéo căng cơ chân vào buổi tối
  • Ngâm mình trong bồn tắm nước ấm trước khi đi ngủ
  • Sử dụng miếng chườm nóng hoặc lạnh khi các triệu chứng xảy ra
  • Với phụ nữ mang thai thì cần xem xét tới nguy cơ có thiếu hụt sắt không bằng các xét nghiệm máu. Đồng thời ở nhà, cần tránh ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài, đặc biệt là buổi tối; tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên tránh dùng thuốc kháng histamine, caffeine, thuốc lá và rượu bia;... Một số loại thuốc điều trị RLS không an toàn khi sử dụng trong thai kì. Nói chuyện với bác sĩ để nhận thêm tư vấn phù hợp
  • Nếu có lịch trình phải di chuyển trong thời gian dài, hãy cố gắng sắp xếp để hoạt động di chuyển diễn ra vào ban ngày
  • Nói chuyện với bác sĩ dinh dưỡng nếu tình trạng chân không yên xảy ra do thiếu hụt chất dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn uống bổ sung phù hợp với thể trạng. Tuy nhiên tuyệt đối không được tự ý bổ sung thực phẩm chức năng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Lời khuyên về giấc ngủ và tập thể dục cho người mắc hội chứng chân không yên:

Lời khuyên về giấc ngủ và tập thể dục cho người mắc hội chứng chân không yên

Lời khuyên về giấc ngủ và tập thể dục cho người mắc hội chứng chân không yên
Ảnh: Kim Phụng SKHN

7. Thuốc điều trị hội chứng chân không yên

Thuốc giúp giảm nhẹ và kiểm soát các triệu chứng hội chứng chân không yên. Có một số lựa chọn mà bạn có thể tham khảo:

  • Thuốc tăng dopamin bao gồm pramipexole, ropinirole, rotigotin. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm chóng mặt thoáng qua và buồn nôn. Theo thời gian các loại thuốc này có thể giảm hiệu quả và gây ra rối loạn kiểm soát cơn buồn ngủ vào ban ngày hoặc trầm trọng thêm các triệu chứng RLS.
  • Thuốc hỗ trợ giấc ngủ và thuốc giãn cơ (benzodiazepin) có tác dụng giúp bạn thư giãn và ngủ ngon hơn nhưng có tác dụng phụ là gây buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thuốc giảm đau và giảm cảm giác bồn chồn thuộc nhóm opioid - nhóm thuốc này có tác dụng mạnh và có thể gây nghiện. Tác dụng phụ có thể gặp là chóng mặt và buồn nôn, nhóm thuốc này được khuyến cáo không dùng cho người bị ngưng thở khi ngủ.
  • Thuốc chống co giật giúp giảm bớt rối loạn cảm giác. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm chóng mặt và mệt mỏi.

Nhìn chung, bạn không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ và có thể bạn sẽ phải thử nhiều hơn một loại thuốc để tìm được loại thuốc phù hợp.

 Nhiều trường hợp sẽ được chỉ định thuốc để giảm triệu chứng.
Nhiều trường hợp sẽ được chỉ định thuốc để giảm triệu chứng. (Ảnh: Internet).

8. Chế độ ăn uống cho người mắc hội chứng chân không yên

Không có bất kì một hướng dẫn cụ thể nào về chế độ ăn uống cho người mắc hội chứng chân không yên. Tuy nhiên bạn cần xem xét lại chế độ ăn của mình để đảm bảo có chế độ ăn uống cân bằng vitamin và khoáng chất thiết yếu. Hãy cố gắng cắt giảm các thực phẩm chế biến sẵn với hàm lượng calo cao với ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng (calo rỗng).

Nếu bạn bị hội chứng chân không yên do thiếu một vitamin hay khoáng chất cụ thể thì một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể hữu ích để giảm nhẹ và điều trị bệnh. Nếu bạn bị thiếu sắt, có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như rau có lá màu xanh đậm, thịt đỏ, thịt gia cầm và hải sản, ngũ cốc, bánh mì,... Đừng quên bổ sung kèm với vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.

Các thực phẩm giàu vitamin C có thể kể đến như trái cây có múi họ cam quýt, bông cải xanh, cà chua, ớt, rau có lá màu xanh.

Kiểm tra xem uống caffein hay rượu có khiến hội chứng chân không yên trở nên nghiêm trọng hơn không và suy nghĩ tới việc cắt giảm hoặc bỏ hoàn toàn các chất kích thích này - nhất là những người bị ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Trên đây là một số thông tin về hội chứng chân không yên là gì cũng như những vấn đề cần lưu ý liên quan tới điều trị giảm triệu chứng chân bồn chồn, khó chịu,.. Nếu có bất kì thắc mắc nào bạn nên thăm khám bác sĩ để nhận được tư vấn phù hợp.

Cập nhật: 11/10/2023 PNVN
  • 352