Cần sớm làm rõ hiện tượng sụt lún đất tại Trại Cau

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân dẫn đến sụt lún đất ruộng, và nứt cửa nhà tại xóm Trại Cau xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, làm cho hơn một trăm hộ dân nơi đây lúc nào cũng nơm nớp lo sợ từng ngày khi cánh đồng mỗi ngày nứt một nhiều hơn và rất khó khăn trồng lúa màu.

Mỗi khi có hiện tượng sụt lún dân báo cáo lên cán bộ xã, huyện để lập biên bản gửi lên cấp trên, nhưng chưa có cơ quan nào trả lời nguyên nhân sụt lún để bồi hoàn cho người dân.

Xóm Trại Cau, xã Cây Thị chủ yếu người dân tộc Sán Dìu, họ đã định cư lâu đời tại đây, nghề chính là trồng, thâm canh lúa nước.


Những vết nứt ngày càng lan rộng

Từ năm 2006, moong Thác Lạc 3 (là moong khai thác quặng sắt của Mỏ sắt Trại Cau thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên), có vị trí khai thác nằm sát liền kề với cánh đồng lúa xóm Trại Cau này mở rộng sản xuất, khai thác xuống độ sâu lấy quặng, cũng là lúc cánh đồng lúa của bà con bên này luôn trong tình trạng thiếu nước.

Nước bắt vào ruộng suốt ngày đêm nhưng chỉ đầy vài tiếng là cạn tiệt. Nước ngầm chảy nhiều, dân bắt nước về đồng ruộng chỉ vài hôm là đồng đất lại cạn khô, mất nước nhanh độ ẩm kém, đất màu nhanh bạc, năng xuất lúa bị giảm sút.

Anh Lại Văn Nguyên, Trưởng xóm Trại Cau cho biết, hiện tượng sụt lún đất xuất hiện từ cuối năm 2006 và vẫn đang xảy ra trên diện rộng với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng , cả xóm Trại Cau có 130 hộ dân thì trên 100 hộ bị sụt lún làm ảnh hưởng lớn về hoa màu, 18 hộ đã bị ảnh hưởng về nhà cửa, các giếng nước đã cạn kiệt, nhiều nền sân, bếp, tường nhà bị nứt toác, hơn 20ha đất màu mỡ nuôi sống bà con đang bị sa mạc hóa vì thiếu nước.

Đưa chúng tôi tới những đám ruộng hiện đang trồng ngô, đỗ, lạc (vì nứt mất nước không thể trồng lúa), chỉ nhìn những vết nứt bằng bàn tay dài vài chục mét mỗi đường, thi thoảng có những hố rộng như miệng giếng tụt sâu xuống 4-6m, anh Nguyên than thở: "Nước chảy xuống những hố này không bao giờ đầy cả, bao nhiêu cỏ, rác ném xuống đó cũng “mất tích” luôn, sợ quá bà con lấy cây tre rào lại cho đỡ nguy hiểm cho trẻ em và trâu bò, nhưng mỗi năm miệng nó lại mở to hơn, nó có nguy cơ nuốt dần đất sản xuất của bà con".

Các hố sụt lún với chiều dài hơn 1m, nứt rộng 3-5cm chạy nhằng nhịt trên đồng, mùa cày cấy bắt nước chảy mãi chẳng đầy, bao nhiêu phân tro bón ruộng đều bị trôi hết, các lỗ nứt đã rút toàn bộ tầng nước mặt, làm cho việc canh tác gặp vô cùng khó khăn.

Hố sụt tại thửa ruộng của gia đình ông Lại Văn Năm có đường kính tới 15m, sâu 3- 4m. Ban đầu hố sụt chỉ rộng 6-7m nhưng đất và hoa màu bị kéo xuống dần, nên cả 2 hộ đã mất ruộng canh tác. Ông Lại Văn Quý có ruộng lúa hơn 2 sào nay buộc phải chuyển sang trồng đỗ, vì hố sụt đã làm ruộng biến dạng, thành hình lòng chảo, mặt ruộng cong vênh, không thể tích nước đều để trồng lúa.

Ngay cạnh bờ moong khai thác quặng, những chiếc ao cá rộng và sâu nay đã bị nứt toác cả đáy, mấy lỗ sụp xuống hơn 5m, rộng khoảng 3 m, cỏ đã mọc xanh um. Sợ trâu bò, lợn gà rơi xuống lỗ này, bà con mang cây tre vây thành bờ rào. Trên vườn chè gần đó, có một ngôi nhà xây cấp 4 của bà Phạm Thị Bích đã bỏ hoang hơn 3 năm vì tường bị nứt toác, gia chủ sợ quá phải chuyển sang đầu xóm ngoài mua đất làm nhà ở.

Bà Phạm Thị Bích nói, "Trước đây chỉ có nhà nứt, cạn giếng nước, nhưng sau một đêm ngủ dậy thấy ao cá cũng cạn nước, cá chẳng còn con nào, bờ thì nứt toác ra, sợ quá chẳng dám vào nhà nữa đành di chuyển gấp ra đầu xóm ở tạm. Còn hơn 10 hộ chưa thể chạy trốn đi đâu thì sống trong tâm trạng hoang mang, không chỉ có nhà mà công trình phụ cũng bị ảnh hưởng.

Việc sụt lún đất này diễn ra liên tục mấy năm nay, nhiều đoàn cán bộ từ tỉnh đến huyện ra vào xóm Trại Cau nhiều lần, nhưng chẳng ai trả lời được cho dân biết nguyên nhân từ đâu. Cũng chính vì lẽ đó mà người dân nơi đây kêu trời chán thì bỏ đồng ruộng mà đi làm thuê làm mướn".

Hiện tượng sụt lún đất ở khu vực Trại Cau đã xảy ra từ năm 2006 đến nay tiếp tục xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. Trong suốt thời gian dài, do chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất, mất nước khiến người dân vô cùng hoang mang, lo lắng; việc đền bù, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng cũng không có cơ sở để thực hiện.

Do vậy, việc xác định rõ nguyên nhân của hiện tượng sụt lún đất, mất nước ở Trại Cau rất quan trọng trong việc xây dựng phương án đền bù, giúp đỡ người dân địa phương sớm ổn định cuộc sống.

Theo Thông tấn xã Việt Nam
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video