Núi Phú Sĩ có thể bừng tỉnh trong cơn thịnh nộ nếu một trận động đất xé toạc hồ chứa mắc ma của nó.
Núi Phú Sĩ và miệng Hoei - (Ảnh: Viện Công nghệ và Khoa học Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia Nhật Bản)
Ngọn núi cao 3.776m, biểu tượng của xứ sở Phù Tang, trên thực tế là một núi lửa còn hoạt động, và lần phun trào cuối cùng diễn ra vào năm 1707, được gọi là đợt phun trào Hoei.
Các nhà khoa học vừa cảnh báo rằng áp suất tại hồ chứa mắc ma đang tăng dần trong vòng 300 năm qua, nên một cơn địa chấn trong khu vực có thể đánh thức “hung thần” đang say ngủ, theo Kyodo News.
Nhóm chuyên gia, bao gồm các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ và Khoa học Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia của Nhật Bản, đã sử dụng những hình ảnh chụp từ trên không và các cuộc điều tra thực địa tại một số miệng núi lửa trên núi Phú Sĩ để phân tích các đợt phun trào trong quá khứ cách đây từ khoảng 10.000 năm và sự kiện vào năm 1707.
Theo đó, họ phát hiện có hai trận động đất xuất hiện trước khi núi lửa phun vào năm 1707, và nhà khoa học núi lửa Akira Takada cảnh báo một cơn địa chấn có thể kích hoạt núi Phú Sĩ phun trào trở lại.