Lúc mới sinh trong trạm y tế xã, cậu bé ở Quảng Bình đã khiến nhiều người hoảng sợ vì cơ thể xám xịt với lớp lông tơ phủ kín. Càng lớn, lượng lông trên người em càng rậm rịt. Nhiều người gọi em là “người rừng”, “người sói”.
|
Với bề ngoài khác thường của mình, cậu bé Hoàng (12 tuổi) ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình từ nhỏ đã phải sống trong sự mặc cảm. Em đang theo học lớp 7, trường trung học cơ sở của xã.
Chị Võ Thị Nghiệm, mẹ của Hoàng cho biết, từ khi sinh ra, da của cháu đã có màu xám xịt cùng với một lớp lông bao phủ ở ngoài. Càng lớn, lớp lông trên cơ thể càng rậm rạp, màu da đen xạm như màu tro than. Hiện nay, chỉ trừ vùng mặt, hai cánh tay và phần chân từ đầu gối trở xuống là vẫn bình thường, còn lại, các bộ phận cơ thể khác của Hoàng đều bị bao phủ bởi màu đen.
“Cha nó nhìn thấy con như vậy cũng sợ quá nên bỏ đi, từ đó đến nay, cháu Hoàng sống rất tự ti vì cơ thể toàn lông như vậy. Mỗi khi nghe người khác nhắc đến từ người rừng, người sói hoặc người lông là cháu lại khóc, đòi bỏ học”, chị Nghiệm cho biết.
Thương con, chị cũng đã cố gắng tìm thầy, tìm thuốc để chạy chữa nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả vì hầu hết mọi người đều cho rằng cháu Hoàng mắc bệnh lạ.
Những mùa hè nóng nực như đợt vừa qua, Hoàng còn khổ sở bởi lớp lông rậm khiến em rất ngứa ngáy, khó chịu.
Cậu bé Hoàng và mẹ sống trong căn nhà hầu như không có gì đáng giá này. Ảnh: Long Nhật.
Một bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cháu Hoàng mắc chứng hypertrichosis - còn gọi là hội chứng người sói. Biểu hiện là lượng tóc, lông trên cơ thể phát triển bất thường. Trường hợp đầu tiên trên thế giới được phát hiện năm 1648 ở quần đảo Canary. Từ đó đến nay, đã có khoảng 50 bệnh nhân mắc hội chứng trên được phát hiện, như ở Nga, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan... Thậm chí, một gia đình ở Myanma có tới 4 thế hệ đều mọc lông khắp cơ thể.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân sinh ra loại bệnh này cũng như chưa tìm được phương pháp điều trị hiệu quả.