Chắc chắn các bạn đã từng thấy đâu đó cái can kiểu này, chẳng hạn như cái thùng xăng màu đỏ trong PUBG. Và có bao giờ các bạn tự hỏi sao mỗi lần nhìn thấy cái can này thì chúng ta mặc định nghĩ chất lỏng chứa bên trong là xăng?
Đây là Jerrycan - một phát minh của người Đức. Đây là thứ đã khiến quân đội của Hitler chiếm ưu thế trên các mặt trận xa xôi thời thế chiến thứ 2 và cũng là thứ khiến quân Đồng Minh phải đi sao chép.
Tên gọi của nó có thể là Jerrycan hay Jerrican - một loại thùng chứa chất lỏng được làm bằng thép. Nó được thiết kế tại Đức vào những năm 30 của thế kỷ trước dành cho quân đội, dung tích 20 lít và bắt đầu được sử dụng phổ biến từ thế chiến thứ 2. Ngày nay, Jerrycan đã trở thành một vật dụng gắn liền với cuộc sống, nó có thể không còn cái vẻ ngoài đậm chất quân đội với vỏ bằng thép như trước, thay vào đó là chất liệu nhựa nhưng thiết kế cơ bản hầu như không đổi. Xăng thời chiến, nước thời bình, bạn có thể bắt gặp Jerrycan ở mọi nơi.
Jerry là từ lóng được lính Anh gọi lính Đức trong thế chiến.
Người Đức tạo ra:
Bên cạnh binh lính thì vào thời chiến, nguồn tài nguyên quan trọng thứ 2 chính là nhiên liệu. Không nhiên liệu đồng nghĩa với "bất động". Năm 1937, Đức đã cho thiết kế một loại can chứa nhiên liệu gọi là Wehrmacht-Einheitskanister (Can tiêu chuẩn dành cho lực lượng vũ trang hợp nhất). Adolf Hitler cùng các cố vấn của mình biết rõ rằng việc vận chuyển nhiên liệu và nước hiệu quả sẽ quan trọng như thế nào trong nỗ lực chinh phục thế giới của Đức quốc xã. Nếu bạn không thể "bôi trơn" cho người và máy, bạn không thể tồn tại được lâu trên chiến trường, đặc biệt là khi cuộc chiến xảy ra ở những nơi xa xôi hơn, với sự hiện diện của máy móc. Hitler đã đưa ra một lời mời đấu thầu hay một cuộc thi để thiết kế chiếc can phục vụ cho mục đích này.
Thiết kế của Vinzenz Grünvogel - kỹ sư trưởng của công ty kỹ thuật Schwelmer Eisenwerk Müller sau cùng được chọn, nó không bắt mắt nhưng cực kỳ hiệu quả. Theo yêu cầu đặt ra của Wehrmacht thì người lính phải có thể mang theo 2 can chứa đầy hoặc 4 can rỗng. Vậy nên điểm đặc trưng trên thiết kế của Grünvogel là nó có 3 tay cầm. Như hình trên, 2 tay cầm ở ngoài sẽ cho phép 2 người lính xách một can và một người có thể dễ dàng xách 2 can đầy hay kẹp đôi 2 can rỗng mỗi bên tay. Chiếc can nặng 20 kg khi đầy nhiên liệu.
Tiếp theo, những chiếc can này được thiết kế để chứa nhiên liệu và để đáp ứng tính cấp bách thì kỹ sư Grünvogel còn nghĩ đến chuyện phải làm sao để có thể bơm nhanh nhiên liệu vào các can này cũng như tốc độ đổ nhiên liệu ra. Vậy là chiếc Jerrycan được thiết kế với vòi lớn có nắp lật cơ chế nhả đòn bẩy thay vì nắp vặn. Trên nắp còn có lỗ để bắt pin cố định nắp hay niêm phong bằng chì. Thiết kế nắp lật cho phép mở nhanh để đổ nhanh cũng như chắc chắn hơn khi vận chuyển. Quanh miệng vòi có miếng đệm chống rò rỉ. Việc đổ nhiên liệu ra dễ dàng và trơn tru nhờ một kênh thở (số 4) thông khí.
Thiết kế Jerrycan của người Đức bền bỉ đáng ngạc nhiên nhờ cấu tạo gồm 2 miếng thép dập lồng vào nhau từ đó loại bỏ hoàn toàn các vết rò rỉ đồng thời giảm chi phí sản xuất. Những chiếc can này được sản xuất bởi công ty Ambi-Budd Presswerk và ABP đã đưa ra cách ép và nối các nửa thép với nhau. Thiết kế can hình hộp chữ nhật 2 mặt bên phẳng để có thể xếp chồng lên nhau, tối ưu diện tích chiếm dụng khi lưu trữ hay vận chuyển trên xe tải. Các góc 90 độ được bo cong để chịu lực tốt hơn.
Chữ X đặc trưng trên vỏ can có chức năng gì? Chúng là những đường dập lõm để gia cố chiếc can trước va đập cũng như sự giãn nở của vật liệu theo nhiệt độ môi trường và sự dao động thể tích khí bên trong. Trong tình huống rơi xuống đất khi vận chuyển thì chiếc can vẫn không bị hư hại.
Đặc biệt hơn, phần gù lên nối đuôi tay cầm của can chính là một buồng khí. Nếu đổ nhiên liệu hay chất lỏng bất kỳ vào can đúng cách thì phần gù lên đó sẽ chứa không khí và nhờ đó chiếc can có thể nổi nếu rơi xuống nước.
Bên trong lòng can được phủ một lớp nhựa chống thấm nước thế nên ngoài nhiên liệu, Jerrycan có thể được dùng để đựng nước.
Tính đến năm 1939, quân đội Đức có hàng ngàn chiếc can như vậy để trữ nhiên liệu và lực lượng cơ giới được cấp những chiếc can có lắp thêm ống cao su để rút nhiên liệu từ mọi nguồn sẵn có.
Người Mỹ sao chép!
Quân đội Đồng Minh khi đó cũng có những chiếc can/thùng chứa nhiên liệu nhưng thiết kế không tốt như Jerrycan của người Đức. Những chiếc thùng nhiên liệu này hình khối vuông và được làm bằng thiếc mỏng hàn lại với nhau. Thành ra chúng dễ bị rò ở mối hàn cũng như dễ bị móp. Thêm vào đó là phần nắp của chiếc thùng không tiện đóng mở, phải dùng cờ lê để mở và khi rót nhiên liệu vào phải dùng phễu, đổ ra phải dùng vòi. Những chiếc thùng này dễ hỏng đến độ các binh sĩ Đồng Minh đặt cho nó biệt danh là "flimsies" - đá mỏng.
Đầu mùa hè năm 1939, thứ "vũ khí" bí mật của người Đức rơi vào tay người Mỹ. Một kỹ sư người Mỹ tên là Paul Pleiss sống ở Berlin đã chế tạo một chiếc xe và thuyết phục một người đồng nghiệp người Đức tham gia chuyến "phượt" trên đất liền từ Đức đến Ấn Độ. Xe đã chế xong nhưng cả 2 nhận ra họ thiếu giải pháp trữ nước khẩn cấp. Anh kỹ sư người Đức đã nghĩ đến những chiếc Jerrycan và nhờ được quyền vào kho chứa những chiếc can này ở sân bay Berlin Tempelholf, anh ta chỉ đơn giản là xách về 3 chiếc can và gắn dưới xe. Lúc này những chiếc can được người Đức bảo vệ cẩn trọng bởi chúng mang lại lợi thế cho quân đội Đức quốc xã trước lực lượng đồng minh.
Paul Pleiss cùng người bạn đồng hành đã lái xe qua 11 biên giới quốc gia mà không gặp vấn đề gì. Cả 2 đã đi được nửa đường thì thống chế Hermann Göring phát hiện, cho máy bay đưa người kỹ sư Đức về nước. Tuy nhiên, trước khi khởi hành thì anh kỹ sư Đức đã cung cấp cho Pleiss các thông số kỹ thuật hoàn chỉnh của Jerrycan. Vậy là Paul Pleiss một mình tiếp tục cuộc hành trình đến Calcutta. Sau đó Pleiss cất xe và đem "kho báu" về Philadelphia.
Tại Mỹ, Pleiss đã thông báo cho các quan chức quân sự về chiếc can của người Đức nhưng ông không có can mẫu, chỉ có tài liệu. Vấn đề của Pleiss vì thế bị phớt lờ và để đưa những chiếc can đã lấy được từ người Đức về Mỹ, Pleiss đã tìm cách gởi nguyên chiếc xe đã cất ở Calcutta qua đường vòng từ Thổ Nhĩ Kỳ và mũi Hảo Vọng. Năm 1940, chiếc xe được vận chuyển đến New York với 3 chiếc can còn nguyên. Pleiss lập tức gởi một chiếc can đến Washington. Tuy nhiên, Bộ Chiến Tranh Hoa Kỳ sau khi xem xét chiếc can thì quyết định vẫn sử dụng loại can cũ có từ thế chiến thứ nhất, dung tích 38 lít và nắp phải mở bằng cờ lê.
Chiếc can này sau đó được gởi đến căn cứ Holabird ở Maryland và nó được thiết kế lại. Thiết kế mới giữ lại phân tay cầm, kích cỡ và hình dạng nhưng chữ X được làm đơn giản hơn. Tuy nhiên, những yếu tố thiết kế cốt lõi khiến chiếc can bền bỉ không được "bắt chước", chẳng hạn như đường hàn lõm được thay bằng hàn cuộn từ đó khiến chiếc can dễ rò. Phiên bản của Mỹ cũng nhẹ hơn so với phiên bản gốc của Đức.
Người Anh sản xuất.
Pleiss đem chuyện chiếc can nói với người Anh và trái ngược với thái độ của người Mỹ, người Anh đã nhìn thấy những chiếc can của Đức từ năm 1940 và họ sớm nhận ra chúng tuyệt vời ra sao. Ở London, Pleiss được các sĩ quan Anh hỏi về thiết kế và quy trình sản xuất chiếc can. Pleiss nhờ người gởi chiếc can thứ 2 đến London và từ đây, Jerrycan mới được đem ra mổ xẻ.
Người Anh cũng gặp vấn đề tương tự với thiết kế can cũ: những chiếc can bằng thiếc mỏng với dung tích 9,1 lít hoặc 18 lít. Mặc dù phù hợp để vận chuyển nhiên liệu trên những con đường châu Âu nhưng những chiếc can thiếc tỏ ra mỏng manh khi được sử dụng trong chiến dịch Bắc Phi. Những mối nối dễ bị cong và hở mối hàn trong quá trình vận chuyển chỉ với tác động giằng xóc của những con đường sa mạc nhiều đá. Có đến 25% lượng nhiên liệu bị thất thoát do các can chứa bị thủng. Thêm vào đó, nhiên liệu rò rỉ còn khiến phương tiện dễ bắt lửa. Những con tàu vận tải cũng bị đặt dưới nguy cơ phát nổ.
Tuy nhiên, việc sản xuất phiên bản sao chép của Jerrycan không diễn ra ngay. Thực tế quân đội Đồng Minh tại châu Âu đã cho đi thu hồi những chiếc can từ tàu chiến của Đức và tận dụng chúng. Lúc này thì quân đội Đồng Minh vẫn đang sử dụng xen lẫn những chiếc can flimsies kiểu cũ, can thu được từ lính Đức và Jerrycan phiên bản Mỹ.
Cuối năm 1942, kỹ sư hóa học người Mỹ - Richard M. Daniel đã đệ trình lên chính phủ Hoa Kỳ một báo cáo cho biết khoảng 40% nhiên liệu đã bị thất thoát trong quá trình vận chuyển chỉ vì những chiếc can bị rò. Thực ra con số 40% này chỉ phỏng đoán nhưng Richard M. Daniel lúc đó đứng đầu khâu kiểm soát chất lượng tại một nhà máy lọc dầu của Mỹ ở Trung Đông nên tiếng nói của ông có sức thuyết phục. Nó khiến quan chức Mỹ phải nghĩ lại về những chiếc can.
Những chiếc Jerrycan của người Đức nguyên vẹn dù xe lật.
Tình trạng thất thoát nhiên liệu trong quá trình vận chuyển thực tế đã khiến quân đội Mỹ đau đầu. Theo thống kê vào tháng 10 năm 1944 thì đã có ít nhất 3,5 triệu chiếc can nhiên liệu bị thất thoát. Thêm vào đó, nhiên liệu rò rỉ trong quá trình vận chuyển gây nguy hiểm cho các đơn vị hậu cần. Một chiếc xe tải 2,5 tấn tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ có thể chở đến 3310 lít nhiên liệu được đóng trong các can.
Mỹ sau cùng cũng phải thừa nhận thiết kế chiếc can của người Đức quá ưu việt và là điều kiện tiên quyết để tạo lợi thế cho quân đội đồng minh. Vậy là để chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ vào châu Âu, Mỹ đã nhượng hoạt động sản xuất những chiếc can cho người Anh và vào năm 1944, các nhà xưởng sản xuất Jerrycan được thiết lập tại Trung Đông. Những chiếc Jerrycan phiên bản Đồng Minh được sản xuất bởi các công ty Anh gồm Briggs Motor Bodies, Vauxhall Motors và Pressed Steel Company dựa trên thiết kế mà Paul Pleiss đã cung cấp. Số lượng can được sản xuất lên đến hàng chục triệu chiếc, đủ đáp ứng nhu cầu của lực lượng đồng minh. Trong chiến tranh, có thời điểm 200 nhà máy trên thế giới cùng sản xuất Jerrycan.
Tổng thống Roosevelt từng nói rằng: "Nếu không có những chiếc can này thì quân đội chúng ta sẽ không thể băng qua nước Pháp với tốc độ nhanh hơn chiến thuật tấn công chớp nhoáng Blitzkrieg của người Đức năm 1940".
Paul Pleiss và cú twist?
Có thể nói không có Paul Pleiss thì quân đội Đồng Minh không bao giờ có được thiết kế chi tiết của Jerrycan từ đó có thể sản xuất hàng loạt và cân bằng ưu thế với quân Đức. Pleiss là ai? Ông là một kỹ sư người Mỹ và lúc đó làm việc tại Đức. Tại sao ông lại rủ người đồng nghiệp cũng là một kỹ sư đi với mình trong chuyến hành trình từ Berlin đến Calcutta?
Hẳn các bạn có đọc tới đoạn "những chiếc Jerrycan của Đức được chế tạo bởi Ambi-Budd Presswerk". Thiết kế can của Vinzenz Grunvogel nhưng ABP mới là công ty đề ra ý tưởng chế tạo chiếc can từ 2 tấm thép dập lồng vào nhau từ đó cho chiếc can độ bền tuyệt vời và dễ sản xuất.
Ambi-Budd Presswerk thực tế là chi nhánh tại Đức của một công ty dập thép thuộc sở hữu của Mỹ, trụ sở đặt tại Philadelphia là Budd Company. Thú vị là rất nhiều nhà máy tại Đức khi đó, dù thuộc sở hữu của người Mỹ đều được lệnh phải hỗ trợ sản xuất phục vụ cho chiến tranh.
Có tài liệu cho biết Paul Pleiss là viên quản lý của ABP và ông đã từng gởi thiết kế chi tiết của Jerrycan cho quan chức quân đội Mỹ từ trước khi chiến tranh nổ ra. Điều này dẫn đến một loạt các câu hỏi: Phải chăng Pleiss cũng đã tham gia thiết kế Jerrycan? Phải chăng ông đã nói cho giới chức Hoa Kỳ về chiếc can trước khi chiến tranh chứ không phải là sau chuyến hành trình đến Ấn Độ? Liệu cuộc hành trình này chỉ đơn thuần là do sở thích mạo hiểm của Pleiss hay là bình phong? Liệu người bạn đồng hành là kỹ sư người Đức kia có thật sự tồn tại hay chỉ là một phần trong kế hoạch che giấu những gì Pleiss đã biết và tiết lộ cho người Mỹ?
Danh tính của Pleiss đã được ghi chép trong một bài báo trên New York Times năm 1947, theo đó ông được mô tả là một nhà công nghiệp, tốt nghiệp đại học Wisconsin sau đó gia nhập quân đội Hoa Kỳ. Ông từ là sĩ quan của quân đội Hoa Kỳ trong cả 2 cuộc thế chiến, từng phụ trách tất cả các loại khí không độc tại Pháp trong thế chiến thứ 2 và là một thành viên của đội khinh khí cầu thuộc Quân đoàn tín hiệu. Khi chưa đầy 30 tuổi thì Pleiss đã tham gia hội đồng quản trị của công ty Burdett Oxygen & Hydrogen, ông viết nhiều tài liệu công nghiệp về các loại khí liên quan đến kỹ thuật hàn và sản xuất, viết sách về quy trình sản xuất. Ông còn nghiên cứu phát triển các thiết bị trợ thở ở độ cao lớn.
Sau khi đóng vai trò là thành viên của hội đồng quản trị Budd Company thì đến năm 37 tuổi, Pleiss đã được giao phụ trách toàn bộ hoạt động của công ty ở châu Âu và năm sau đó, ông được thuê tổ chức nhân sự cho công ty thép Pressed Steel Company tại Anh - 1 trong 3 công ty chịu trách nhiệm sản xuất những chiếc Jerrycan cho quân Đồng Minh sau này. Trong cùng năm thì Pleiss trở thành phó chủ tịch và giám đốc của Ambi-Budd Presswerk.
Sau khi về hưu năm 1938, Pleiss tiếp tục cố vấn cho Budd Company về thép không gỉ dùng để chế tạo máy bay. Trong suốt thế chiến thứ 2, Paul Pleiss là cố vấn công nghiệp châu Âu cho Ủy ban kinh tế chiến tranh Hoa Kỳ.
Vậy nên, câu chuyện Paul Pleiss đi "phượt" từ Đức sang Ấn rồi đem thiết kế chiếc Jerrycan đưa cho người Mỹ có thể là được thêu dệt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng phát minh của người Đức - một chiếc can đựng xăng thôi nhưng đủ tạo nên ưu thế trên chiến trường khiến quân Đồng Minh phải đi sao chép. Và cũng nhờ phát minh này, những chiếc Jerrycan ngày nay len lỏi trong cuộc sống hàng ngày, có thể bằng nhựa hay bằng kim loại nhưng thiết kế của nó vẫn đặc trưng, dễ nhận ra và tiện dụng như mục đích nguyên thủy.