Câu chuyện về những thứ kỳ quái nhất từng được đem ra trưng bày trong bảo tàng

  •  
  • 2.967

Viện bảo tàng là nơi trưng bày các vật phẩm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật... Nhưng đôi khi, đó còn là nơi trưng bày các bộ phận của cơ thể người.

Xác ướp Ai Cập chính là ví dụ điển hình, nhưng đó không phải thứ duy nhất liên quan đến cơ thể người được trưng bày đâu.

Thú vị là mỗi bộ phận này đều có một câu chuyện riêng để kể. Chúng có thể đơn thuần ở đó vì mong muốn của "chính chủ" trước khi "gần đất xa trời", cũng có thể bị ăn cướp, thậm chí là đào mộ lấy trộm.

1. Não của Albert Einstein: Bị trộm mất ngay khi tạ thế

Bản thân thiên tài vật lý Albert Einstein (Đức) trước lúc lâm chung đã bày tỏ mong muốn được hỏa táng, và chắc chắn chưa bao giờ mong muốn bộ não của mình lại bị lấy ra khỏi cái đầu và đem trưng trong một bảo tàng nào đó.

Chiếc lọ đựng một phần não bộ của Albert Einstein.
Chiếc lọ đựng một phần não bộ của Albert Einstein.

Thế nhưng khi ông qua đời vào ngày 18/4/1955, một vị bác sĩ Thomas Harvey đã "ôm" cả bộ não lẫn nhãn cầu của ông bỏ trốn, giữ cho riêng mình.

Ngạc nhiên là dù Harvey phạm tội xúc phạm xác chết và đánh cắp một phần di thể Einstein, gia đình Einstein - mà cụ thể là con trai của ông - vẫn chọn tha thứ để xoa dịu dư luận. Người này cho phép bác sĩ này giữ bộ não, chỉ với điều kiện Harvey phải vì mục đích nghiên cứu khoa học.

Không còn phải trốn chui trốn nhủi vì tội ăn cắp quái dị bậc nhất nữa, Harvey liền hợp tác với bác sĩ Marta Keller. Họ tiến hành xắt mỏng bộ não của Einstein ra thành 1.000 lát, chia gửi nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có bác sĩ William Ehrich (Mỹ), 46 lát.

Sau khi Ehrich qua đời, vợ ông trao 46 lát não này cho bác sĩ Allen Steinberg. Steinberg lại đem cho bác sĩ Lucy Rorke-Adams. Còn Adams thì tặng hết cho một viện bảo tàng.

Chiếc hộp đựng các lát não của thiên tài khoa học.
Chiếc hộp đựng các lát não của thiên tài khoa học.

Về sau, nhờ nỗ lực thu gom, Bảo tàng Y tế và Sức khỏe Quốc gia Mỹ có được gần 350 lát não của Einstein.

2. Não của Charles Babbage: Tình nguyện hiến thân cho khoa học

Khác với Einstein, Charles Babbage (Anh) - cha đẻ của công nghệ máy tính và người phát minh ra máy tính cơ học đầu tiên - lại muốn bộ não của mình được lấy ra khỏi hộp sọ và phục vụ cho nghiên cứu khoa học.

Não của Charles Babbage.
Não của Charles Babbage.

Năm 1871, trước khi qua đời, Babbage viết chúc thư cho con trai. Ông ghi rõ đồng ý cho phép hậu thế vô tư mổ xẻ bộ não của mình, "xử lý theo bất cứ cách nào", miễn "giúp ích cho sự hiểu biết và lợi ích của nhân loại".

Như mong muốn của Babbage, não của ông được lấy ra khỏi hộp sọ và bảo quản. Hiện nay, một nửa bộ não của Babbage đang nằm tại Bảo tàng Khoa học, London. Nửa còn lại thuộc về Bảo tàng Hunterian, trường Cao đẳng Giải phẫu Hoàng gia.

3. Đầu của Antonio Scarpa: Bị cắt ra vì... ghét

Trong giới y học, Antonio Scarpa (Ý) là nhà giải phẫu học xuất chúng, nhưng trong đời thường ông được đánh giá là một gã tự phụ đáng ghét. Dù là làm việc tại đâu, Scarpa cũng kết thù nhiều hơn kết bạn.

Vốn sẵn tư thù nên ngay khi Scarpa qua đời, trợ lý cũ của ông, Carlo Beolchin liền cắt rời đầu, ngón tay cái, ngón trỏ và đường tiết niệu của Scarpa ra khỏi cái xác.

Đầu của nhà giải phẫu Antonio Scarpa.
Đầu của nhà giải phẫu Antonio Scarpa.

Ngoại trừ cái đầu, hầu hết các bộ phận còn lại của Scarpa đều được cất giữ tại một bảo tàng của Italia. Riêng thủ cấp của Scarpa, không hiểu vì lý do gì, nó đột ngột biến mất. Kỳ lạ là sau vài năm biệt tăm, nó bất chợt xuất hiện và được trưng bày tại Bảo tàng Câu chuyện của Đại học Pavia.

Hiện nay, bảo tàng này cũng đã gom được nốt những bộ phận còn lại của Scarpa. Nhưng họ chỉ cho trưng bày cái đầu, còn lại cất hết trong kho.

4. Đầu của Jeremy Bentham: Một giả một thật

Jeremy Bentham là nhà triết học của Anh, vốn nổi tiếng là người lập dị. Trước khi qua đời, Bentham để lại di ngôn yêu cầu bảo quản xác để... vẫn có thể tiệc tùng, ăn chơi với bạn bè.

Cái đầu thật của Bentham vẫn được công khai tại phòng trưng bày của trường Cao đẳng London.
Cái đầu thật của Bentham vẫn được công khai tại phòng trưng bày của trường Cao đẳng London.

Như ý Bentham, thi thể của ông được đem ướp, hiện vẫn còn được trưng bày tại một bảo tàng của trường Cao đẳng London. Chỉ có điều, riêng cái đầu của xác ướp Bentham thì đã bị thay thế bởi cái đầu làm bằng sáp. Nguyên nhân là vì trong quá trình xử lý xác ướp, người ta lỡ tay làm hỏng nó, nên buộc phải cắt ra.

Dù rất khủng khiếp nhưng cái đầu thật của Bentham vẫn được công khai tại phòng trưng bày của trường Cao đẳng London cho đến thập niên 1990. Chỉ sau lần bị đánh cắp bởi một sinh viên, nó mới bị đem cất vào kho lưu trữ và ở luôn trong đó.

5. Dương vật của Napoleon Bonaparte: Nỗi hổ thẹn dù đã chết

Thất bại tại trận Waterloo (1815) cũng là khởi đầu cho sự kết thúc của Đại đế Napoleon Bonaparte (Pháp). Đầu tiên, ông đánh mất ngai vàng. Tiếp theo, ông bị Anh đày đến đảo St. Helena.

Mẫu vật được cho là "cậu nhỏ" của Hoàng Đế Napoleon Bonaparte.
Mẫu vật được cho là "cậu nhỏ" của Hoàng Đế Napoleon Bonaparte.

Tại đảo St. Helena, vào năm 1821, Napoleon qua đời. Sau cuộc khám nghiệm tử thi, dương vật của ông còn bị cắt mất.

Sau vài cuộc phiêu lưu, vào năm 1927, "tiểu Napoleon" tạm yên ổn tại Bảo tàng Nghệ thuật Pháp, New York. Đến năm 1977, nó bị đem ra bán đấu giá, cuối cùng vào tay bác sĩ tiết niệu John J. Lattimer.

6. Răng và ngón tay của Galileo Galilei: Bị trộm tới trộm lui nhiều lần

Tác giả của câu nói bất hủ "Dù sao thì Trái đất vẫn quay", Galileo Galilei qua đời vào năm 1642. Tới năm 1737, hài cốt của ông được cải táng. Lợi dụng cơ hội, một vài "fan hâm mộ" đã tìm cách trộm đi 3 ngón tay, 1 cái răng và 1 đốt sống.

Khi hài cốt được cải táng, một vài "fan hâm mộ" đã tìm cách trộm đi 3 ngón tay, 1 cái răng và 1 đốt sống của ông.
Khi hài cốt được cải táng, một vài "fan hâm mộ" đã tìm cách trộm đi 3 ngón tay, 1 cái răng và 1 đốt sống của ông.

Bằng cách nào đó, Bảo tàng Lịch sử Khoa học ở Florence, Italy có được 1 ngón tay của Galileo. Hai ngón tay còn lại và chiếc răng thì vào tay một gia đình.

Chưa yên ổn được bao lâu, cả 2 ngón tay và chiếc răng ấy lại bị trộm. Vào năm 2009, chúng bất ngờ tái xuất hiện. E lại mất dấu, Bảo tàng Lịch sử Khoa học của Ý bèn bỏ tiền ra mua đứt, đem trưng bày cùng với ngón tay của Galileo mà họ đã có, đổi luôn tên thành Bảo tàng Galileo.

Riêng cái đốt sống của Galileo thì hiện ở Đại học Padua.

Cập nhật: 24/05/2019 Theo helino
  • 2.967