Cấu trúc của trạm vũ trụ Trung Quốc sau khi hoàn thành

Trạm vũ trụ Thiên Cung hoàn chỉnh có hình chữ T với 3 module, có không gian sống tổng cộng hơn 110m3 và sức chứa 6 phi hành gia.

Với thành công của vụ phóng tàu chở người Thần Châu 14 hôm 5/6, Trung Quốc đang nhanh chóng tiến tới việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung thành một phòng thí nghiệm không gian quốc gia, CGTN hôm 12/6 đưa tin.

Từ module lõi Thiên Hòa đang quay quanh Trái Đất, trạm vũ trụ sẽ mở rộng thành cấu trúc 3 module hình chữ T với Thiên Hòa ở trung tâm và hai module phòng thí nghiệm, Vấn Thiên và Mộng Thiên, ở hai bên.

Vấn Thiên dự kiến phóng lên vào tháng 7 còn Mộng Thiên phóng vào tháng 10. Khi hai module này đi vào hoạt động, trạm vũ trụ sẽ có không gian sống tổng cộng hơn 110m3 với 6 phòng ngủ, 2 phòng tắm, đủ chỗ cho 6 phi hành gia. Tổng cộng 25 tủ thí nghiệm khoa học sẽ được lắp đặt ở 3 module. Mỗi tủ giống như một phòng thí nghiệm mini có thể hỗ trợ việc tiến hành thí nghiệm.

Trạm Thiên Cung dự kiến hoạt động ở quỹ đạo Trái Đất thấp với độ cao khoảng 340 - 450km phía trên bề mặt Trái Đất. Tuổi thọ thiết kế của công trình này là 10 năm, nhưng các chuyên gia tin rằng nó có thể hoạt động hơn 15 năm khi bảo dưỡng hợp lý.


Mô phỏng cấu trúc 3 module cơ bản của trạm vũ trụ Trung Quốc. (Ảnh: CMG)

Module lõi Thiên Hòa

Module lõi Thiên Hòa được phóng lên quỹ đạo tháng 4/2021, là trung tâm chỉ huy và quản lý của trạm vũ trụ. Nó cung cấp sức đẩy để duy trì quỹ đạo cho trạm, đồng thời kiểm soát các điều kiện làm việc bên trong. Với chiều dài 16,6 m, đường kính tối đa 4,2 m và trọng lượng phóng 22,5 tấn, đây là tàu vũ trụ lớn nhất Trung Quốc từng phát triển.

Thiên Hòa có không gian sống khoảng 50 m3, là nơi sinh hoạt chính của các phi hành gia. Họ cũng có thể tiến hành các thí nghiệm khoa học tại đây. Tổng cộng có 6 phi hành gia Trung Quốc trong hai nhiệm vụ riêng biệt đã sống và làm việc trong module này, sau đó trở về Trái Đất an toàn.

3 thành viên phi hành đoàn Thần Châu 12 là những người đầu tiên đến Thiên Hòa, làm việc từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái. Phi hành đoàn Thần Châu 13 bay lên module lõi vào tháng 10/2021 và trở về Trái Đất tháng 4/2022, lập kỷ lục mới về thời gian bay trên không gian của Trung Quốc - 182 ngày.

Thiên Hòa trang bị hai bến neo đậu để liên kết với hai module phòng thí nghiệm và 3 bến ghép nối dành cho các tàu chở hàng, chở người hoặc tàu vũ trụ khác. Module lõi cũng có một lối ra để phi hành gia tiến hành những hoạt động ngoài không gian.

Module phòng thí nghiệm Vấn Thiên

Hai module phòng thí nghiệm tương tự với module lõi về kích thước và trọng lượng, dù Trung Quốc chưa tiết lộ thêm nhiều chi tiết.

Vấn Thiên chủ yếu dành cho các nghiên cứu về khoa học sự sống vũ trụ. Nó trang bị những tủ thí nghiệm có thể hỗ trợ cho thí nghiệm về sự sống, sinh thái, công nghệ sinh học, cũng như các nghiên cứu so sánh về cơ chế tăng trưởng sinh học trong nhiều điều kiện lực hấp dẫn khác nhau.

Ngoài ra, tủ thí nghiệm có thể dùng để nghiên cứu sự sinh trưởng, phát triển, di truyền và lão hóa của thực vật, động vật và vi sinh vật trong không gian, cũng như nghiên cứu các hệ sinh thái khép kín.

Các thiết bị khoa học trong module cũng cho phép tiến hành thí nghiệm sinh học đa cấp trên phân tử, tế bào, mô và cơ quan với nhiều phương pháp thăm dò, ví dụ như bằng ánh sáng khả kiến, huỳnh quang và hình ảnh hiển vi.

Module phòng thí nghiệm Mộng Thiên

Module phòng thí nghiệm Mộng Thiên chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học vi trọng lực. Module này trang bị các tủ thí nghiệm cho nhiều lĩnh vực như vật lý chất lỏng, khoa học vật liệu, khoa học đốt cháy, vật lý cơ bản và công nghệ hàng không vũ trụ.

Bộ đồng hồ nguyên tử lạnh đặt trong không gian đầu tiên trên thế giới, bao gồm đồng hồ hydro, đồng hồ rubidi và đồng hồ quang học, sẽ được lắp đặt trên Mộng Thiên. Chúng dự kiến tạo thành một hệ thống thời gian và tần số với độ chính xác và ổn định tần số cao nhất trong không gian, phục vụ những nghiên cứu khoa học như dịch chuyển đỏ do hấp dẫn hay đo hằng số cấu trúc tinh vi.

Khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngừng hoạt động trong vài năm tới, Thiên Cung có thể trở thành trạm duy nhất còn hoạt động. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác quốc tế và cho phi hành gia không phải người Trung Quốc tham gia những nhiệm vụ trên trạm trong tương lai.

Cập nhật: 14/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video