Sau khi nghe âm thanh con sâu bướm nhai chiếc lá, thực vật phản ứng với âm thanh đó bằng cách phát ra các hóa chất xua đuổi kẻ săn mồi.
Cây cối cũng biết ra "đòn"
Âm thanh có thể tác động đến cách thực vật nảy mầm và sự biểu hiện một số gen của chúng. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến chúng nhạy cảm với âm thanh trong không khí vẫn là bí ẩn chưa giải đáp.
Con sâu bướm đang ăn lá cây. (Ảnh: Diana Meister/iStockphoto)
Trong nghiên cứu năm 2014, Rex Cocroft, chuyên gia lĩnh vực âm sinh học, sử dụng tia laser và băng ghi âm để ghi lại âm thanh một con sâu bướm đang nhai chiếc lá của cây mù tạt. Cocroft phát bản ghi âm này cho những cây khác cùng chủng loại "lắng nghe" suốt hai giờ, trong không gian yên tĩnh.
Đồng nghiệp của Cocroft là Heidi Appel sau đó đo nồng độ hóa chất có mùi khó chịu do cây trồng tạo ra để ngăn chặn những kẻ ăn thịt, chẳng hạn như chất glucosinolates khiến mù tạt có hương cay nồng. Kết quả cho thấy, những cây "nghe" âm thanh con sâu bướm đang ăn lá cây có nồng độ hợp chất mùi khó chịu cao hơn so với mức trung bình.
"Hệ thống phòng thủ như thế này rất phổ biến. Nó giúp thực vật tránh lãng phí tạo ra những hóa chất phòng vệ cho đến khi chúng thực sự cần thiết", ABC Science dẫn lời Appel.
Nhóm nghiên cứu cũng làm thí nghiệm tương tự với tiếng gió vô hại và âm thanh côn trùng, tuy nhiên các cây tham gia không có phản ứng gì cả.
"Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy một lý do sinh thái để phát hiện sự rung động của thực vật", Appel nói.