Nguyễn Xuân Hải đam mê hóa học từ nhỏ. Từ người thầy của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Trưởng Khoa hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), Hải bắt đầu quan tâm tới keo ong (một chất keo dính con ong tự sản xuất ra để trám những lỗ hổng trong tổ của mình).
Hải cho biết, ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Brazil, Mỹ, keo ong được sản xuất và cung ứng ra thị trường nhiều ngang với mật ong, sáp ong. Nhưng ở Việt Nam, keo ong còn là thứ mới mẻ, nhiều người không biết công dụng của nó đã bỏ nó đi khi thu hoạch mật ong, sáp ong. Chính điều này đã khiến Hải tò mò tìm hiểu, keo ong có gì đặc biệt, có tác dụng gì cho sức khỏe con người.
Nguyễn Xuân Hải là giảng viên được nhiều học trò ngưỡng mộ.
Từ năm 2010, Nguyễn Xuân Hải bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về keo ong. Trong quá trình tìm tòi, anh phát hiện ra một loại ong không có ngòi châm, chỉ có ở Việt Nam, trên thế giới chưa thấy công bố. Anh lấy mẫu và gửi tới Viện nghiên cứu ong T.Ư, Hà Nội. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của tiến sĩ Lê Quang Trung, loài ong này đã được định danh là ong dú (tên tiếng Anh là stingless bee).
Đem trích xuất các chất trong keo ong dú được lấy ở tỉnh Bến Tre và thử nghiệm trên tế bào ung thư tuyến tụy của người, Nguyễn Xuân Hải phát hiện ra các chất này có khả năng kháng tế bào ung thư.
Tình cờ, trong quá trình nghiên cứu keo ong dú được lấy từ những con ong sống ở vùng trồng xoài tại miền Nam, Hải cũng phát hiện ra thành phần hóa học và hoạt tính kháng tế bào ung thư tuyến tụy (panc-1) của vỏ thân cây xoài (tên khoa học là mangifera indica).
"Trước đây, xoài chỉ để lấy quả, không ai quan tâm đến thân của nó, tôi cũng bất ngờ về sự phát hiện này", Hải nói.
Bên cạnh đam mê nghiên cứu khoa học, Nguyễn Xuân Hải tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Hải cho hay, việc nghiên cứu keo ong và đề tài nghiên cứu về hợp chất có khả năng gây độc tế bào ung thư tuyến tụy panc-1 và psn-1 từ keo ong dú (trigona minor) ở Bến Tre của anh hy vọng sẽ mở ra một cánh cửa trong việc sản xuất các thực phẩm chức năng, hỗ trợ trong quá trình chữa ung thư tuyến tụy.
Anh hào hứng: "Ung thư tuyến tụy là một ung thư rất nguy hiểm, trên thế giới chưa tìm ra cách chữa. Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi quan sát, keo ong là một thứ thường bị bỏ đi, đó là lãng phí. Nếu nghiên cứu được thực phẩm chức năng từ keo ong, để hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy, đó là một điều rất tuyệt vời".
Bố và mẹ đều làm việc trong ngành dược, Nguyễn Xuân Hải được ủng hộ để tham gia các hoạt động khoa học. Anh cho biết, tìm được tình yêu, đam mê với công việc mình đang thực hiện.
Nguyễn Xuân Hải được T.Ư Đoàn trao giải Quả cầu vàng năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ y dược. Đam mê khoa học, Nguyễn Xuân Hải từng có 17 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, 22 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí trong nước, 4 báo cáo tại Hội nghị quốc tế. Anh là chủ nhiệm 3 đề tài cấp cơ sở: Nghiên cứu so sánh hoạt tính chống oxy hóa, tổng hàm lượng polyphenol trong mẫu keo ong Việt Nam và một số nước, tháng 2/2011 - 2/2012, đã nghiệm thu loại xuất sắc. Phân lập các hợp chất có khả năng gây độc tế bào ung thư tuyến tụy panc-1 và psn-1 từ keo ong dú (trigona minor) ở Bến Tre, Việt Nam, tháng 9/2013 - tháng 9/2014, đã nghiệm thu loại khá. Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng tế bào ung thư tuyến tụy (panc-1) của vỏ thân cây xoài (mangifera indica), 2015 - 2016, đang nghiệm thu. |