Đặc trưng của bệnh ung thư đường mật, ung thư túi mật là sự phát triển bất thường và tăng sinh quá mức của các tế bào ung thư, do đó, chúng sẽ tiêu thụ một lượng lớn năng lượng của cơ thể, đồng thời thải ra nhiều độc tố gây hại tới sức khỏe. Bởi vậy, một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học là thực sự cần thiết để cải thiện sức khỏe toàn trạng cho người bệnh.
Ung thư túi mật, đường mật ảnh hưởng tới việc ăn uống như thế nào?
Khi bị ung thư đường mật, ung thư túi mật, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc tiêu hóa chất béo, đồng thời cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi và sút cân nhanh. Những tác dụng phụ trong qua trình điều trị như hóa trị, xạ trị cũng có thể làm giảm sự thèm ăn. Bên cạnh đó, người bệnh ung thư túi mật khi đã cắt túi mật có thể làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng trên đường tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là tình trạng tiêu chảy kéo dài.
Nhu cầu dinh dưỡng ở mỗi một người bệnh là khác nhau. Nhưng một chế độ ăn tốt phải đảm bảo được các nguyên tắc sau: giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, duy trì trọng lượng cơ thể, không để sút cân quá nhanh và tăng khả năng chịu đựng được các tác dụng phụ liên quan đến việc điều trị.
Một chế độ ăn khoa học giúp ích rất nhiều cho người bệnh ung thư đường mật, túi mật.
Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người ung thư đường mật, túi mật
1. Protein (chất đạm)
Cơ thể cần được cung cấp protein qua thực phẩm hàng ngày để sửa chữa các tổn thương và giữ cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh. Khi không được bổ sung chất đạm, cơ thể phá vỡ nguồn chất béo làm nhiên liệu thay thế. Điều này làm giảm khả năng phục hồi của người bệnh do dẫn tới suy giảm hệ thống miễn dịch. Vì vậy, những người bị ung thư đường mật, túi mật thường phải bổ sung nguồn protein nhiều hơn bình thường, nhất là sau khi tiến hành các biện pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Nguồn cung cấp protein lành mạnh bao gồm: cá, thịt gia cầm, thịt nạc đỏ, trứng, sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt, đậu phộng (lạc), đậu Hà Lan, đậu lăng và các chế phẩm từ đậu nành.
2. Lipid (chất béo)
Chất béo cung cấp nguồn năng lượng lớn cho người bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chất béo cần có sự tính toán khoa học và hợp lý. Bởi nếu sử dụng các chất béo xấu, chất béo khó tiêu sẽ làm nặng thêm triệu chứng của bệnh, đồng thời thúc đẩy làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc mỡ máu cao.
- Chất béo tốt nên ăn: Chất béo có trong các loại quả hạch và cá biển là những thực phẩm lành mạnh thay thế cho thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, như các loại thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra, các loại dầu cá cũng rất hữu ích nếu bạn có triglycerid cao. Bên cạnh đó, người bệnh ung thư đường mật, túi mật nên chọn nguồn chất béo không bão hòa để chế biến thức ăn trong các loại dầu thực vật, chẳng hạn như dầu oliu, dầu hướng dương, đậu phộng…
- Chất béo xấu nên tránh: Bạn nên tránh các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như pho mát, thịt bò, thức ăn được chiên đi chiên lại nhiều lần, các loại sữa chưa tách béo… Chất béo trans hay chất béo hydro hóa một phần trong các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, bánh quy… cũng có thể kích thích gây các cơn đau quặn ở hạ sườn phải.
3. Carbohydrates (chất bột, đường)
Carbohydrates là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Nguồn cung cấp carbohydrates mà người bệnh nên lựa chọn:
- Trái cây và rau củ: cung cấp nhiều chất xơ, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, đồng thời làm giảm các triệu chứng khi bị ung thư mà bạn nên ăn bao gồm: táo, mâm xôi, quả lê, bông cải xanh, cà rốt…
- Ngũ cốc: tăng cường ngũ cốc là cách đơn giản để tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn, chẳng hạn như thay vì ăn bánh mì trắng, gạo trắng và ngũ cốc ít chất xơ, bạn có thể ăn bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu và bột yến mạch. Bởi vì trong những loại thực phẩm này không những thành phần dinh dưỡng không bị mất đi mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và giàu chất xơ hơn.
4. Nước
Người bệnh ung thư thường xuyên bị nôn mửa do tác dụng phụ của quá trình điều trị, hoặc người bệnh tiêu chảy mạn tính bắt buộc phải bổ sung nước hàng ngày để hạn chế mất nước. Bởi nước là dung môi giúp loại bỏ đi những độc tố trong cơ thể. Qua các thực phẩm mà bạn ăn, lượng nước sẽ được cung cấp một phần, nhưng các chuyên gia khuyên cáo, người bệnh ung thư nên uống ít nhất từ 2 - 2.5 lít nước trong ngày.
5. Vitamin và các khoáng chất
Cơ thể cần một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất để phục vụ cho hoạt động sống. Hầu hết chúng đều được cung cấp qua thực phẩm. Một số loại vitamin, khoáng chất cũng đã được bào chế dưới dạng các thực phẩm bổ sung qua đường uống hoặc tiêm truyền.
Người bệnh ung thư đường mật, túi mật nên được bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Nếu cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ hàm lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Nhưng với người bệnh ung thư, điều này sẽ khó khăn hơn. Thông thường, người bệnh sẽ được khuyến cáo sử dụng hỗn hợp bổ sung đa vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý mua và sử dụng chúng, mà cần có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ để tránh quá liều.
Thực phẩm giúp đối phó với tình trạng tiêu chảy sau cắt túi mật
Nếu bạn gặp phải biến chứng tiêu chảy mạn tính sau cắt túi mật, bạn nên tránh các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao như bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô vì chúng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, bạn có thể ăn những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ hòa tan chẳng hạn như chuối, táo lại rất tốt cho trường hợp bị tiêu chảy.
Danh sách các loại thực phẩm cần tránh sau cắt túi mật bao gồm: thịt bò, thịt lợn, thực phẩm chiên và nhiều gia vị, sản phẩm từ sữa chưa tách béo, trà đặc, cà phê, chocolate, thực phẩm quá nhiều đường và tinh bột tinh chế…
Được chẩn đoán ung thư đường mật, túi mật chẳng dễ dàng gì, bởi quá trình điều trị dai dẳng, cộng thêm những tác dụng phụ khiến cho sức khỏe và tinh thần người bệnh ngày một đi xuống. Để “nạp” năng lượng cho cơ thể có sức chiến đấu để chống lại bệnh tật, ngoài chế độ ăn, thì người thân trong gia đình nên trở thành các bác sĩ tâm lý giúp người bệnh vượt qua giai đoạn này.