Chết não là gì?

Thế nào là chết não?

Chết não là sự mất mát hoàn toàn chức năng não. Tim, phổi, hệ thần kinh trung ương... ngừng hoạt động, không thể phục hồi.

Bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết hệ thống MeSH của Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ định nghĩa "chết não" (brain dead) bao gồm chết cả cuống não. Cuống não nằm dưới đại não phía trước tiểu não, nhiệm vụ nối não bộ với tủy sống và kiểm soát các chức năng tự động chẳng hạn như hô hấp, tiêu hóa, nhịp tim và huyết áp. Đây gọi là sự mất hoàn toàn chức năng não, bao gồm hoạt động không tự nguyện cần thiết để duy trì cuộc sống.

Một người được coi là chết não khi hoạt động tim, phổi, hệ thần kinh trung ương ngừng hoạt động, không thể phục hồi, chỉ có các thiết bị hỗ trợ sự sống giúp cho các chức năng này tiếp tục hoạt động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chết não như chảy máu não, chảy máu dưới nhện, viêm màng não, chấn thương sọ não... Bệnh nhân chết não hoàn toàn sẽ được trả về để gia đình an táng, hoặc gia đình có thể hiến tặng nội tạng của họ.


Chết não là khi chức năng trung tâm cuống não, kiểm soát phản xạ thở, nhịp tim mạch, phản, xạ đồng tử và các phản xạ sống khác không còn nữa. (Ảnh: Washington Post).

Thực tế, tại Việt Nam nói riêng và các nước phương Đông nói chung, khái niệm "chết não" (brain dead) vẫn còn khá mới mẻ, chưa có tiêu chuẩn và nguyên tắc cụ thể. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện có kết quả xét nghiệm điện não đồ phẳng, não kém, tổn thương cuống não, kèm theo đó là tình trạng vận động căng cứng, chân tay duỗi thẳng, không nhận thức, không phản xạ ánh sáng, cấu véo không đau... Tuy nhiên, cơ thể họ vẫn hoạt động, tim vẫn đập, vẫn có chức năng bài tiết, tiêu hóa... các bác sĩ vẫn chẩn đoán là "chết não". 

Những trường hợp như vậy được hiểu là chết não không hoàn toàn, gọi đúng chuyên môn là "duỗi cứng mất não". Ví dụ người có tiểu não chết nhưng có một cuống não sống, khiến nhịp tim và nhịp thở vẫn tiếp tục hoạt động không cần sự giúp đỡ.

"Duỗi cứng mất não" là hậu quả của những tổn thương não rất nghiêm trọng, rối loạn thoái hóa thần kinh, rối loạn trao đổi chất hoặc bất thường bẩm sinh trong não bộ. Bệnh nhân duỗi cứng mất não có thể dẫn tới tình trạng sống thực vật hay hôn mê.

Hôn mê là trạng thái bất tỉnh kéo dài mà người đó không thể được đánh thức, không thể phản ứng một cách bình thường đối với các kích thích đau, ánh sáng hay âm thanh, mất đi chu kỳ thức - ngủ bình thường. Còn sống thực vật là người bệnh luôn tỉnh và mở mắt, tuy nhiên, họ bị mất hết ý thức, không có bất cứ phản ứng nào với mọi kích thích. Họ không nghe, không nói, không cử động, không ăn uống, vẫn có chức nặng bài tiết, tiêu hóa song họ không thể khống chế đại tiểu tiện. Toàn bộ những phản ứng bản năng của người thực vật vẫn được duy trì, bao gồm sự co bóp của tim, hơi thở, phản ứng ho, nuốt, hắt hơi. Một người thực vật có thể sống liên tục nhiều năm bằng nước, sữa và chất dinh dưỡng truyền qua ống thông.

Bệnh nhân bị "duỗi cứng mất não" thường được các bác sĩ trả về, không được chữa trị, sống thực vật trong nhiều năm. Song, theo Đông y, bệnh vẫn có thể điều trị để cải thiện chức năng vận động và các chức năng khác để duy trì nhận thức cũng như sự sống cơ thể. Cách điều trị là kết hợp các phương pháp tác động lên huyệt vị, kinh lạc như: điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt. Liệu trình điều trị liên tục nhiều đợt và phải kiên trì nhiều năm, kết quả không thể nói trước. Một vài bệnh nhân sau điều trị có thể đi lại vận động được, đồng tử tốt, có biểu hiện nhận thức.

Với tình trạng hôn mê, bệnh nhân sẽ được duy trì sự sống bằng nhiều cách như giữ thông đường thở, mở khí quản, đặt nội khí quản, thở máy (nếu cần), đảm bảo các chức năng tuần hoàn như dùng thuốc trợ tim, duy trì nhịp tim, duy trì nước điện giải, cân bằng kiềm toan, điều chỉnh huyết áp... Song, rất khó xác định bệnh nhân sẽ hôn mê trong tình trạng này bao lâu, có thể vài giờ, vài tháng, thậm chí vài năm.

Một số trường hợp của Việt Nam và trên thế giới ghi nhận hiện tượng bệnh đang hôn mê bỗng dưng tỉnh lại. Điều đó chỉ có thể gọi là sự kỳ diệu của y học chứ chưa thể giải thích.

Cập nhật: 07/11/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video