Hurricane là gì?

  •  
  • 5.472

Trong tự điển, hurricane có nghĩa là cuồng phong, bão tố. Những kỹ thuật gia khí tượng thì dịch là bão “áp thấp nhiệt đới”. Nhưng trong Answers.com, cuồng phong hurricane được định nghĩa như thế này: “Ðó là cơn bão nhiệt đới lớn, xuất phát từ những vùng dọc theo xích đạo thuộc Ðại Tây Dương hay biển Caribbean hoặc từ những vùng phía Ðông Thái Bình Dương, thường di chuyển về những hướng Bắc, Tây Bắc và Ðông Bắc kể từ nơi xuất phát và bao giờ cũng mang theo những cơn mưa lớn, sức gió lên đến trên 74 miles một giờ”.

Ðó là định nghĩa của tự điển thông thường. Trong tự điển bách khoa toàn thư, hurricane được định nghĩa như sau:

“Ðó là cơn bão nhiệt đới mà sức gió có vận độc trên 74 mile/giờ (119 km/giờ). Vận tốc gió có khi lên tới trên 190 mile/giờ trong một số trường hợp. Người ta chỉ dùng từ hurricane (bão áp thấp nhiệt đới giới hạn cho những trận bão nhiệt đới thuộc vùng Bắc Ðại Tây Dương). Bão áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở vùng Tây Thái Bình Dương thì không gọi là hurricane mà là typhoon (cũng là loại bão nhiệt đới, có gió lốc mạnh) xuất phát từ vùng dọc theo xích đạo. Ở Úc, bão áp thấp nhiệt đới được gọi là willy-willy, và nếu hurricane ở trên Ấn Ðộ Dương thì gọi là bão lốc xoáy nhiệt đới (tropical cyclone). Những cơn bão hurricane có đời sống có thể ngắn hay dài hạn, từ 1 cho đến 30 ngày. Bão sẽ yếu dần và chuyển thành những cơn bão lốc nhỏ sau khi đã tiếp cận một thời gian dài với nước biển lạnh hơn ở khoảng cách trung bình với xích đạo. Những cơn bão áp thấp nhiệt đới nhanh chóng tan biến khi đổ bộ vào đất liền.

Hình thành bão áp thấp nhiệt đới (hurricane)

Một cơn bão thông thường đạt tới cường độ bão áp thấp nhiệt đới (hurricane) phải qua 2 giai đoạn trung gian là áp thấp nhiệt đới (tropical depression) và bão nhiệt đới (tropical storm). Bão áp thấp nhiệt đới khởi sự từ trên đại dương gần xích đạo, mới đầu chỉ là sự gom góp những cơn bão trong vùng nhiệt đới. Nhưng áp suất thấp ở vùng tâm bão đã khiến cho không khí ẩm và khi nóng từ mặt biển khiến cho sự đối lưu nâng không khí lên, áp lực ngày càng gia tăng trong bầu khí quyển đã đẩy mạnh không khí ra chung quanh. Sự thay đổi những luồng gió khiến cho mây có khuynh hướng xoay quanh một trục gọi là “mắt”. Nếu như gió đạt tới một tốc độ mạnh, nó sẽ biến thành bão nhiệt đới. Vòng xoáy của gió ngày càng mạnh hơn và mây càng bị đẩy xuống thấp càng tỏa rộng và khi sức gió lên trên 174 mile/giờ, người ta gọi đó là bão áp thấp nhiệt đới cấp 5. Cấp 5 là cấp cao nhất. Bão áp thấp nhiệt đới Rita hiện cấp 4 với sức gió 145 mile/giờ, sau đó khi vào gần Port Arthur thì xuống còn cấp 3. Hình ảnh từ vệ tinh chụp xuống bề mặt của bão cho chúng ta thấy rất rõ “mắt” bão.

Vận tốc di chuyển của bão áp thấp nhiệt đới

Bão áp thấp nhiệt đới thường di chuyển về phía Tây với tốc độ khoảng 10 mile/giờ trong giai đoạn khởi đầu rồi vòng theo hướng cực trái đất khi bão tiến về những biên giới phía Tây của những đại dương ở kinh độ 20-30. Tại Bắc Bán Cầu, những cơn bão áp thấp nhiệt đới nho nhỏ thường tập trung trên Ðại Tây Dương và dần dà gia tăng tầm vóc khi chúng bắt đầu di chuyển về hướng Tây. Bão áp thấp nhiệt đới thường tập trung tại ngoài khơi bờ biển phía Tây Mexico và từ đây di chuyển sang hướng Ðông Bắc.

Giữa khoảng thời gian từ Tháng Sáu và Tháng Mười Một, trung bình có 6 trận bão nhiệt đới biến thành tầm vóc của bão áp thấp nhiệt đới hàng năm dọc theo vùng bờ biển phía Ðông của Bắc Mỹ, thường là trên biển Caribbean và Vịnh Mexico. Hai trong số những cơn bão này là bão lớn được xếp hạng từ cấp 3 đến cấp 5 theo phong vũ biểu Saffir-Simpson. Cứ một trong ba cơn bão áp thấp điển hình di chuyển vào vùng duyên hải Hoa Kỳ hàng nằm, một số cơn bão áp thấp khác thường đổi hướng từ Tây sang Ðông Bắc. Nếu tính toán chi ly thì trung bình có khoảng 6 cơn bão áp tháp nhiệt đới giáng xuống nước Mỹ hàng năm.

Bão áp thấp nhiệt đới và bão nhiệt đới trên miền Bắc Thái Bình Dương thường diễn ra trong khoảng từ Tháng Năm đến Tháng Mười Hai. Bão nhiệt đới và bão lốc của Nam Bán Cầu có khuynh hướng tập trung từ Tháng Mười Hai qua Tháng Tư hàng năm. Trên vịnh Bengale và Biển Ả Rập, bão lốc nhiệt đới thường xuất hiện trong khoảng từ Tháng Tư tới Tháng Sáu hoặc từ Tháng Chín đến Tháng Mười Hai.

Những thiệt hại gây ra bởi bão áp thấp nhiệt đới

Gió mạnh là nguyên nhân gây ra những thiệt hại đầu tiên về nhân mạng và tài sản. Một nguyên nhân khác gây tại hại là lụt, kết quả của luồng bão mang theo mưa như thác đổ. Trường hợp bão Katrina, sức gió chỉ gây tai hại một phần nhưng phần nặng nề nhất là do lượng nước mưa làm bể những để chắn ngăn nước từ hồ Pontchartrain. Sự đo lường bằng phong vũ biểu Saffir-Simpson được chọn làm tiêu chuẩn để đo cường độ gây thiệt hại của bão áp thấp nhiệt đới.

Sự đo lường này được xếp hạng từ cấp 1 (không đáng kể), cấp 2 (trung bình), cấp 3 (mạnh), cấp 4 (thiệt mạnh), cấp 5 (tai họa). Trong khi đó một trận bão nhiệt đới siêu lớn được xếp ngang hàng với bão áp thấp nhiệt đới cỡ lớn từ cấp 4 đến cấp 5.

Theo những tài liệu trong văn khố của Sở Khí Tượng Hoa Kỳ, đã có 5 trận bão áp thấp nhiệt đới đã giáng xuống Hoa Kỳ kể từ ngày trận bão áp thấp nhiệt đới xảy ra vào đúng Ngày Lao Ðộng năm 1935 tàn phá vùng Florida Keys, làm thiệt mạng 600 người. Nhưng kỷ lục gây thiệt hại của trận bão áp thấp nhiệt đới vừa đã bị cơn bão Katrina phá (cho đến bây giờ) với số thiệt hại nhân mạng lên tới 1,036 người. Sau đây là một vài trận bão áp thấp nhiệt đới và bão lốc (cyclone) mà số thiệt hại về nhân mạng và vật chất lên cao đáng chú ý:

Bão Andrew năm 1992 tàn phá vùng Homestead, Florida (Ảnh: Noaa)

Bão Mitch năm 1998, cấp 5, cao điểm ở trên biển Caribbean (Ảnh: Nasa)

Bão Gilbert vào năm 1988 là bão cấp 5 vào lúc cao điểm nhất và là bão lốc nhiệt đới (cyclone) mạnh nhất (Ảnh: Weathersatellite)

Vào năm 1970 bão lốc nhiệt đới tại vịnh Bengale đã làm thiệt mạng khoảng 300,000 người, phần lớn bị chết đuối (Ảnh: Noaa)



Tại Mỹ, bão áp thấp nhiệt đới Hugo 1989 tại South Carolina và bão áp thấp nhiệt đời Opal (1995), Cahrley, Ivan và hai cơn bão khác trong năm 2004 tại Florida đã gây ra thiệt hại lên tới hàng tỷ đô-la (Ảnh: Nasa)

Năm 2005, bão áp thấp nhiệt đời Katrina, cao điểm là cấp 5 gây lụt cho New Orleans. Trên 1,000 người tại New Orlean chết, tài sản bị thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đô la, thậm chí có thể hàng trăm tỷ (Ảnh: Firestop.co.za)


Ðể hạ thấp mức thiệt hại có thể do bão áp thấp nhiệt đới gây ra, người ta đã nghiên cứu nhiều chương trình nhằm chặn nguyên nhân của những trận bão áp thấp nhiệt đới trong giai đoạn bão đang phát triển, nhưng chương trình không thành công. Ngoài ra, những kỹ thuật gia cũng nghiên cứu một số chương trình để làm giảm khả năng gây hại của bão áp thấp nhiệt đới, chẳng hạn như thiết lập những hệ thống báo động tốt hơn. Công tác theo dõi một cách đặc biệt bão áp thấp nhiệt đời phải được thi hành khi những điều kiện phát triển của bão bắt đầu đe dọa dân chúng. Những cơ quan trách nhiệm cần phải loan báo cho công chúng sự nguy hiểm của bão áp thấp nhiệt đới khi vận tốc gió lên tới 74 mile/giờ hoặc biển bắt đầu động mạnh, trong vòng 24 giờ trở lại.

Vũ Huy Thục

Theo VietNet
  • 5.472