Tưởng tượng bạn đang ở giữa đám cưới của một người bạn và được giao nhiệm vụ đi tiếp rượu các bàn. Là một người bạn nhiệt tình và có trách nhiệm, bạn luôn muốn làm hài lòng các vị khách quý đã đến cùng chung vui.
Thế nhưng, giữa vô vàn vị khách, sẽ có những người mà bạn gặp lần đầu tiên. Trong số các vị khách gặp lần đầu tiên, sẽ có những người uống được rượu và những người không uống được.
Vậy làm thế nào để - chỉ cần nhìn thoáng qua - bạn có thể biết có những ai trong một mâm cỗ uống được rượu còn ai thì không?
Ngón tay đeo nhẫn càng dài, thì tửu lượng của người đó sẽ càng cao. (Ảnh minh họa).
Một nghiên cứu trên tạp chí American Journal of Human Biology sẽ cung cấp cho bạn một mẹo nhỏ. Theo đó, bạn chỉ cần nhìn vào độ dài của ngón tay đeo nhẫn là có thể đánh giá được tửu lượng của một người, đặc biệt nếu người đó là đàn ông.
Các khảo sát cho thấy người nào có ngón tay đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ thường có xu hướng uống nhiều rượu hơn người có ngón trỏ dài hơn. Ngón tay đeo nhẫn càng dài, thì tửu lượng của người đó sẽ càng cao.
Nhưng tại sao lại có mối liên hệ kỳ lạ như vậy?
Câu trả lời hoá ra nằm ở sự khác biệt trong biểu hiện gene liên quan đến giới tính. Chúng ta biết một số khác biệt giới tính bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, nhưng một số khác lại bắt nguồn từ bản chất sinh học của chúng ta.
Chẳng hạn như có một sự khác biệt rõ rệt giữa lượng rượu mà nam giới và phụ nữ có thể uống được, mà nam giới thì thường uống nhiều hơn phụ nữ.
Giống với nhiều sự khác biệt về mặt giới tính khác, khả năng dung nạp rượu có thể được tìm thấy trong quá trình chúng ta tiếp xúc với các hormone giới tính, bao gồm testosterone và estrogene, ngay khi còn trong bụng mẹ.
Khi một người mẹ mang thai một đứa trẻ là con trai, tinh hoàn của đứa trẻ trong bụng đã có khả năng tiết ra testosterone. Đồng thời, một lượng nhỏ hormone giới tính, bao gồm cả testosterone và estrogene, cũng khuếch tán từ máu người mẹ vào cả thai nhi nam và nữ.
Vì vậy, nhìn chung thì nam giới có nồng độ testosterone trước khi sinh cao hơn so với nữ giới.
Testosterone gây ra những thay đổi trong não và các cơ quan khác ở thai nhi. Những thay đổi này sau đó được kích hoạt thêm ở bé trai do sự gia tăng testosterone ở tuổi dậy thì.
Người ta cho rằng sự khác biệt về testosterone và estrogene của chúng ta được thể hiện ở độ dài tương đối của ngón trỏ và ngón đeo nhẫn (ngón thứ hai và thứ tư được ký hiệu là D2:D4).
Ngón áp út dài cho thấy lượng testosterone cao và lượng estrogene thấp.
Nghĩa là, tỷ lệ ngón tay của bạn, hay D2:D4, phản ánh mức độ tiếp xúc với hormone sinh dục của bạn trong tử cung. Do đó, ngón áp út dài cho thấy lượng testosterone cao và lượng estrogene thấp.
Và điều này không chỉ đúng với loài người chúng ta.
Các nhà khoa học đã quan sát thấy nhiều loài động vật có chi 5 ngón phát triển các đặc điểm giới tính tương tự như con người, bao gồm tỷ lệ độ dài giữa ngón áp út và ngón trỏ.
Trong các thí nghiệm trên chuột và khỉ, khi testosterone được bổ sung vào giai đoạn bào thai, những con đực sinh ra đã có ngón áp út dài hơn ngón trỏ, tỷ lệ thuận với lượng testosterone được tiêm vào. Ngón áp út càng dài cũng tỷ lệ thuận với xu hướng dung nạp rượu của chúng.
Nhưng bởi vì lý do đạo đức, chúng ta không thể thực hiện các thí nghiệm này trên người để khẳng định đặc điểm của ngón trỏ và ngón áp út có liên quan đến khả năng uống rượu hay không? Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn có cách để kiểm tra nó.
Thiết lập mối quan hệ
Nhìn chung, khi so sánh với phụ nữ, nam giới thường tiêu thụ nhiều rượu hơn và mắc nhiều bệnh liên quan đến lạm dụng rượu hơn. Số ca bệnh hằng năm đã tăng từ 4,6 lên 7,0 người trên mỗi 100.000 dân kể từ đầu thập kỷ.
Ngón áp út càng dài cũng tỷ lệ thuận với xu hướng dung nạp rượu của chúng.
Trong số các căn bệnh do lạm dụng rượu gây ra, nam giới cũng có nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ, gấp tới 9 lần. Vậy sự khác biệt về giới tính này có thể bị ảnh hưởng ở thai nhi bởi những thay đổi do testosterone gây ra không?
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí American Journal of Human Biology, các nhà khoa học đã thực hiện một khảo sát trên 169 phụ nữ và 89 nam giới để tìm ra câu trả lời.
Họ đã yêu cầu những người tham gia đo độ dài các ngón tay rồi thực hiện một bài kiểm tra xác định rối loạn hành vi sử dụng rượu, trong đó, có các câu hỏi điều tra thói quen uống rượu của mọi người.
Kết quả cho thấy những người tham gia có ngón áp út dài hơn ngón trỏ báo cáo điểm lạm dụng rượu cao hơn, với mức tiêu thụ rượu cao hơn hàng tuần. Mối quan hệ này đúng ở cả nam và nữ, nhưng mạnh hơn ở nam giới.
"Một số nghiên cứu hiện nay đã tìm thấy mối quan hệ về độ dài giữa ngón đeo nhẫn so với ngón trỏ, với lượng rượu tiêu thụ của một người. Một cuộc khảo sát lớn trên internet, về chiều dài ngón tay được tình nguyện viên tự đo, đã cho thấy sự chênh lệch độ dài ngón tay đeo nhẫn với ngón trở có thể dự đoán được lượng rượu tiêu thụ trong nhóm dân số, thậm chí trên quy mô quốc gia", các nhà khoa học viết.
"Các nghiên cứu ở Châu Âu và Châu Á đã phát hiện ra những bệnh nhân nghiện rượu có ngón đeo nhẫn rất dài so với ngón trỏ. Dữ liệu của chúng tôi hỗ trợ những phát hiện này và mở rộng chúng sang cho cả những đối tượng không nghiện rượu".
Ngoài mối liên hệ với tỷ lệ tiêu thụ rượu, độ dài ngón tay áp út cũng cung cấp cho chúng ta một cánh cửa sổ để dự đoán nhiều vấn đề sức khỏe.
Tin tốt là những người có ngón áp út dài thường có một trái tim khỏe mạnh, họ có thể đạt hiệu suất cao hơn trong các bộ môn sức bền, ví dụ như chạy marathon, bóng đá, bóng rổ, trượt tuyết và lướt sóng.
Tin xấu là ngón áp út dài có liên quan đến chứng tự kỷ, ADHD, nghiện internet và một nguy cơ cao hơn mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Nhìn chung, tỷ lệ giữa ngón áp út và ngón trỏ là một biểu hiện quan trọng liên quan đến mức testosterone ngay từ khi bạn còn chưa sinh ra. Nó là một mảnh ghép trong bức tranh sinh động, làm nổi bật tác động mạnh mẽ của hormone sinh dục lên hành vi và sinh lý của chúng ta.
Vì vậy, lần tới khi đi ăn tiệc cưới mà bạn muốn biết ai đó có khả năng uống rượu hay không, hãy nhìn vào độ dài ngón tay áp út của họ.