Lần đầu tiên sự kiện tàn khốc liên quan chim cánh cụt hoàng đế được ghi nhận trên diện rộng, chúng không thể sinh sản do biến đổi khí hậu.
Chim cánh cụt hoàng đế (tên khoa học: Aptenodytes forsteri), là loại chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài chim cánh cụt còn sống và là đặc hữu ở Nam Cực.
Chim cánh cụt hoàng đế là loài chim biểu tượng của Nam Cực. (Ảnh: Getty).
Loài chim này từ lâu đã nổi tiếng với những chuỗi hành trình gian nan của chim bố và chim mẹ mỗi năm để giao phối với nhau, cũng như chăm sóc các con của nó.
Trung bình mỗi năm, chim cánh cụt hoàng đế phải đi quãng đường dài khoảng 50 - 120 km trên băng để tới khu vực sinh sản, nơi có hàng ngàn cá thể. Tại đây, những con mái sẽ đẻ ra một quả trứng duy nhất. Sau đó, con trống sẽ đảm nhiệm việc ấp trứng, còn con cái ra biển kiếm mồi.
Dẫu vậy trong mùa hè vừa qua, có tới 4 trong số 5 quần thể chim cánh cụt ở biển Bellingshausen sinh sản thất bại. Nguyên nhân là bởi biến đổi khí hậu dẫn tới mất băng biển ở Nam Cực, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của chim cánh cụt.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy một thực tế đau lòng, khi không có một con chim non nào ở những địa điểm đó sống sót. "Chúng tôi chưa bao giờ thấy chim cánh cụt hoàng đế không thể sinh sản ở quy mô như thế này", Peter Fretwell, một nhà địa chất người Anh, cho biết.
"Việc mất băng biển trong mùa hè ở Nam Cực khiến những con chim cánh cụt di dời rất khó có cơ hội sống sót".
Chim cánh cụt hoàng đế chứng kiến một mùa sinh sản thất bại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. (Ảnh: Earth).
Đây là lần đầu tiên sự kiện tàn khốc liên quan chim cánh cụt hoàng đế được ghi nhận trên diện rộng, chúng không thể sinh sản do biến đổi khí hậu.
Nếu tình trạng mất băng biển do biến đổi khí hậu tiếp diễn, các nhà khoa học cảnh báo rằng, hơn 90% quần thể chim cánh cụt hoàng đế sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21.
"Chúng ta biết rằng chim cánh cụt hoàng đế rất dễ bị tổn thương trong điều kiện khí hậu ấm lên", nhà vật lý Jeremy Wilkinson thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết.
"Bằng chứng khoa học hiện tại cho thấy những sự kiện mất băng biển cực đoan như thế này sẽ trở nên thường xuyên và lan rộng hơn".
Biến đổi khí hậu đang làm mất băng biển ở mức độ đáng báo động. Các nhà khoa học dự đoán, băng biển có khả năng biến mất hoàn toàn ở Bắc Cực vào năm 2030.
Nam Cực cũng ghi nhận 4 vùng băng biển có phạm vi bị thu hẹp nhiều nhất kể từ năm 2016. Trong đó, một số khu vực như biển Bellingshausen, nằm ở phía tây bán đảo Nam Cực, chứng kiến phạm vi băng biển giảm xuống 0%.