Chim được sở hữu bãi biển

Chim Maleo đào hố dưới đất đẻ trứng để nhiệt độ nóng từ núi lửa truyền tới ấp nở trứng. Con non sau khi nở chui lên khỏi mặt đất và có thể chạy, bay ngay được.

Loài chim đặc biệt này sống tại đảo Sulawesi (Indonesia) với số lượng khoảng 5.000-10.000 con.

Chim maleo (Macrocephalon maleo) có kích thước tương đương con gà (độ dài trung bình 55 cm) với phần trán giống mũ sắt màu đen. Chúng có lưng đen, bụng hồng, mặt vàng, mỏ cam sẫm.

Không giống như nhiều loài chim khác, Maleo không dùng thân nhiệt của mình để ấp trứng mà chúng lại "sử dụng" các yếu tố tự nhiên. Chúng vùi trứng vào cát hoặc đất nóng (do nhận nhiệt từ mặt trời hoặc núi lửa) để ấp trứng.

Ngay cách xây tổ của Maleo cũng thể hiện rõ sự "thông minh" của loài chim này. Cặp chim bố mẹ dùng chân đào một hố sâu ở khu vực làm tổ. Sau đó chim cái sẽ đẻ trứng vào trong hố, rồi lấy cát lấp trứng lại để nhiệt độ Mặt trời hoặc núi lửa sưởi ấm.

Tuy nhiên loài chim này không phải đào hố làm tổ một cách hỗn loạn. Chúng cũng có khả năng nhận biết được nhiệt độ của mẫu cát hay đất bằng cách liên tục dùng miệng "nếm". Các nghiên cứu cho thấy nếu phát hiện tầng đất có nhiệt tầm 33 độ C là chúng không tiếp tục đào nữa và để con cái đẻ trứng. Trứng cũng được sắp xếp theo phương thẳng đứng so le trong lỗ.

Việc sắp xếp trứng như vậy cho phép sau khi trứng nở, chim non có thể chui lên qua lớp cát dễ dàng và chạy vào rừng. Chúng có thể bay và hoàn toàn sống độc lập được như tự tìm thức ăn, tự bảo vệ mình khỏi các loài ăn thịt như thằn lằn, trăn, lợn và mèo rừng.

Khoảng 2-3 tháng sau, cặp chim bố mẹ lại quay trở lại khu tổ cũ để làm lại tổ và tiếp tục đẻ trứng tại đây. Quá trình đào tổ, đẻ trứng, lấp trứng và bỏ đi như thế cứ tái diễn ở mỗi cặp chim bố mẹ ở cùng một địa điểm làm tổ tới hàng chục lần.

Trứng chim Maleo to gấp gần 5 lần so với trứng gà nuôi. Hiện nay Maleo được đưa vào danh sách là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ loài chim này, Indonesia đã lập một khu bảo tồn và thuê những người dân làng tham gia trông nom loài chim Maleo.

Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Mỹ đã phối hợp với một tổ chức môi trường tại Indonesia để mua và bảo vệ một bãi biển có diện tích 14 hecta ở phía bắc đảo Sulawesi – nơi có khoảng 40 tổ chim Maleo. Hai tổ chức đã chi 12.500 USD để mua bãi biển. Họ hy vọng thương vụ này sẽ giúp chim maleo thoát khỏi họa tuyệt chủng.

“Việc bảo vệ bãi biển sẽ giúp chúng tôi nâng cao nhận thức của người dân về chim maleo. Điều này rất quan trọng, vì con người là hiểm họa lớn nhất đối với chúng. Người dân thường đào trứng chim maleo để làm thức ăn”, John Tasirin, người điều phối chương trình bảo vệ chim maleo của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên trên đảo Sulawesi, phát biểu.

Martin Fowlie, một chuyên gia của tổ chức BirdLife International (Anh), cho biết, số lượng chim maleo đang giảm dần, vì thế mà mọi nỗ lực bảo vệ chúng đều đáng quý.

Cập nhật: 11/07/2016 Tổng hợp
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video