Có nhiều cách để chữa sẹo lồi như tiêm corticoid, chấm nitơ lỏng, dán phốt-pho phóng xạ... Phương pháp tiến bộ nhất là dùng tia laser.
Sẹo lồi tạo nên do sự phát triển quá mức, dày đặc chất collagen ở lớp bì và dưới da trong quá trình hồi phục vết thương. Sẹo lồi thường không tự giảm mà lại có khuynh hướng phát triển trở lại sau khi bị cắt đi.
Đối với người bình thường, sẹo lồi thường xuất hiện ở các vùng da mặt; cổ dưới; ngực trên, bụng. Sẹo lồi có thể gặp sau một số ca phẫu thuật thẩm mỹ như căng da mặt, đặt túi ngực, cắt mỡ bụng. Phẫu thuật bướu cổ, tim, dạ dày, ruột thừa, mổ lấy thai... cũng có thể dẫn đến sẹo lồi.
Ở người da vàng, tỷ lệ có cơ địa sẹo lồi rất cao, chiếm 15-20%. Với người có cơ địa sẹo lồi thì bất cứ vết rách da nào, kể cả vết kim chích, cũng có thể tạo ra sẹo lồi ngay tại vị trí đó.
Bác sĩ Lý Hữu Đức, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết có nhiều cách trị sẹo lồi:
Tiêm corticoid cho sẹo teo nhỏ: Phải có kỹ thuật và kinh nghiệm vì nếu tiêm sâu sẽ tạo thành sẹo lõm, còn nông quá thì không hết và sẹo lại phình to ra. Phương pháp này được áp dụng ở nhiều mỹ viện, phòng khám tư. Corticoid có thể gây nhiều tác dụng phụ (nếu dùng nhiều) như giữ nước, rậm lông, mụn trứng cá, teo da, cao huyết áp, tiểu đường...
Chấm nitơ lỏng: Khí lạnh làm teo sẹo, nhưng nếu không làm đúng kỹ thuật thì sẽ gây bỏng lạnh vùng xung quanh sẹo, làm lồi thêm.
Dán phốt-pho phóng xạ: Sau khi dán, sẹo có xẹp nhưng cũng có trường hợp lan ra. Hiện Bệnh viện Da liễu đã ngưng điều trị bằng phương pháp này".
Chiếu laser xung nhuộm màu tia (PDL), với bước sóng 585-595 nm: Tia laser hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm ngưng phát triển và giảm dần kích thước, độ dày của sẹo.
Tiến sĩ Trần Thị Anh Tú, Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM, nhận xét: Mỗi phương pháp chữa sẹo lồi đều có ưu điểm riêng. Để đạt hiệu quả điều trị nhanh, nên sử dụng laser PDL kết hợp với nhiều phương pháp khác, phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Công nghệ laser tuy không làm biến mất hẳn sẹo lồi nhưng vẫn có thể nhanh chóng thu hẹp kích thước và độ dày của sẹo, làm cho sẹo mềm hơn, ít đau, ít ngứa hơn, và đặc biệt là làm giảm nhanh màu đỏ của sẹo, đưa da nhanh chóng trở về màu sắc bình thường. Hiệu quả tùy thuộc tình trạng sẹo, thời gian bị sẹo, tuổi tác... nhưng thường đạt được sau khoảng một vài lần điều trị. Sẹo mới thì chữa nhanh và hiệu quả hơn sẹo cũ.