Các nhà nghiên cứu tại Mỹ hy vọng trở thành những nhà khoa học đầu tiên trên thế giới chữa vô sinh nam thành công bằng tinh hoàn nhân tạo.
TS Paul Turek, GĐ Bệnh viện Turek ở San Francisco, tác giả nghiên cứu cho biết, tinh hoàn có hình trụ dài vài inch, chứa đầy dung dịch muối. Mặc dù không có hình dáng giống với tinh hoàn thật, nhưng thành phần và chức năng của tinh hoàn nhân tạo cũng tương tự tinh hoàn tự nhiên.
Bình thường, tế bào trong tinh hoàn phải trải qua 12 giai đoạn để phát triển thành tế bào tinh trùng, nhưng với phương pháp mới chỉ cần 9 hoặc 10 giai đoạn.
Đầu tiên, các tế bào có chức năng hỗ trợ tế bào tinh trùng được nuôi dưỡng trong đó có tế bào Sertoli, một loại tế bào sinh dưỡng nằm trong biểu mô tinh, sau đó bổ sung thêm tế bào gốc phôi thai. Những tế bào gốc này sẽ đi xuống tinh hoàn nhân tạo và phát triển thành tế bào tiền thân của tinh trùng tại đây, ông Turek cho biết trên tờ MyHealthNewsDaily.
Mỗi tinh hoàn nhân tạo có tuổi thọ trung bình 70 ngày, tương đương với một chu kỳ sản xuất tinh trùng, sau đó sẽ được thay thế bằng một tinh hoàn mới.
GS Kyle Orwig làm việc tại ĐH Pittsburgh cho rằng đây là một dự án đầy tham vọng, nhưng thật kỳ diệu nếu phương pháp này trở thành hiện thực. Chưa từng có nghiên cứu chữa vô sinh nào sử dụng “nhà sản xuất tinh trùng nhân tạo” kết hợp với tế bào gốc.
Theo GS Orwig, để thành công nhóm nghiên cứu nên sử dụng tế bào gốc lấy từ da thay vì tế bào gốc phôi thai.TS Turek hy vọng có thể hoàn thành dự án trong vòng 5 đến 7 năm tới.