"Ngoài diệt ruồi và chuột, cần tiêu huỷ các chất thải từ lợn và gà vì hai vật nuôi này là nguồn virus tiềm ẩn, có thể truyền bệnh cho nhau và cho con người", Bộ Trưởng Siti Fadilah Supari nói. Tuy nhiên, vị bộ trưởng này kêu gọi người dân không nên hoảng sợ, một khi giữ môi trường sống trong sạch như phun thuốc khử trùng và ăn thực phẩm bổ dưỡng.
Hiện nay, chính phủ Indonesia đã chuẩn bị thuốc Tamiflu - dược phẩm có khả năng đẩy lùi dịch cúm gà. Những bệnh nhân có triệu chứng sốt cao tới 38-40 độ C trong 2-4 ngày, cảm lạnh, ho và chớm viêm phổi được khuyên dùng Tamiflu trong 2 ngày kế tiếp. Tuy nhiên, thuốc sẽ không hiệu quả đối với bệnh nhân đã ở giai đoạn tiến triển. Ngoài ra, "Tamiflu chỉ dành để điều trị cho người có triệu chứng, không dùng cho người khoẻ mạnh hoặc bệnh nhân không có triệu chứng vì có thể gây kháng thuốc", Siti nói.
Indonesia đã nhận được 100.000 viên Tamiflu dưới sự hỗ trợ của Australlia và qua sự phân bổ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ trưởng Indonesia cho biết chính phủ cũng sẽ nhập khẩu thêm thuốc này để đảm bảo cung cấp đủ cho các bệnh viện, lường trước sự gia tăng số ca bệnh.
Cho tới nay chưa có văcxin cúm gà dành cho con người, mới chỉ có cho động vật. Về phương án dùng thuốc cổ truyền trị H5N1, Bộ Y tế Indonesia chưa có gợi ý do thuốc cổ truyền phần lớn chưa được thử nghiệm lâm sàng và khoa học chứng minh .
Tính đến hôm thứ 5, số ca nghi nhiễm cúm gà ở Indonesia đã lên tới 23. Tất cả đang được điều trị tại Bệnh viện Sulianti Saroso, phía bắc thủ đô Jakarta - cơ sở chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm. Trong số ca nghi nhiễm có hai bé gái 5 tuổi Riska và Yesica đã qua đời hôm thứ 4. Xét nghiệm ban đầu trên Riska là âm tính, còn trường hợp của Yesica vẫn chưa có kết luận.
Mỹ Linh (theo Asia Pulse news)