Chung sống với một bạn đời hay lo lắng và căng thẳng có thể khiến nhiều người về cõi vĩnh hằng sớm hơn so với tuổi thọ mà họ đáng được hưởng.
Giáo sư Pat Monaghan, một giảng viên của Đại học Glasgow tại Anh, cùng các đồng nghiệp nghiên cứu chim manh manh nhật để tìm hiểu mối quan hệ giữa tuổi thọ của chim và mức độ lo lắng của người bạn đời.
Nhóm nghiên cứu chọn chim manh manh nhật vì mỗi con chỉ chung sống với một con khác giới trong suốt cuộc đời. Ngoài ra cơ chế đối phó căng thẳng ở chim manh manh nhật cũng giống con người. Vì thế, kết quả nghiên cứu ở chúng có thể áp dụng cho chúng ta.
Các chuyên gia chia một số chim manh manh nhật mới chào đời thành hai nhóm bằng nhau. Họ tiêm hoóc-môn gây căng thẳng vào một nhóm, còn nhóm kia không bị tiêm. Sau đó cả hai nhóm đều được nuôi trong môi trường bình thường. Do tác dụng của hoóc-môn gây căng thẳng, một nửa số chim thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, hoảng hốt.
Chim manh manh Nhật.
Khi lũ chim manh manh nhật bước vào giai đoạn trưởng thành, các chuyên gia tạo điều kiện để chúng chọn bạn tình. Sau đó họ theo dõi tuổi thọ bạn tình của chúng.
Kết quả cho thấy tuổi thọ của những con chim bị tiêm hoóc-môn ngắn hơn nhiều so với những con khác. Bạn tình của chúng cũng có nguy cơ chết sớm cao gấp bốn lần so với bạn tình của những con bình thường.
Theo Monaghan, nếu ngoại suy phát hiện này ở người, chúng ta có thể nói rằng nếu ai đó phải sống trong môi trường dễ gây căng thẳng khi còn là đứa trẻ sơ sinh thì nguy cơ chết sớm của cả họ và bạn đời đều cao hơn so với những người khác.