Nhiều nhà lãnh đạo cho biết họ đã hy vọng hội nghị G20 ở Rome mang lại kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, dường như cơ hội duy trì sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C đang vụt mất.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thất bại trong việc đưa ra kế hoạch khí hậu nhằm đảm bảo sự sống còn của hành tinh, Guardian dẫn lời các nhân vật hàng đầu tại cuộc đàm phán về khí hậu COP26 cho biết.
Một số nhà lãnh đạo, đại diện cho hơn một tỷ người có nguy cơ cao nhất chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, cũng cho biết họ đã hy vọng nhiều hơn những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Rome. Thế nhưng, giờ đây, tất cả chỉ còn là “nỗi lo ngại".
Triển vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học cho là "ranh giới của hành tinh", đang dần trôi đi mất trước hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), Guardian đưa tin.
“Từ những gì tôi thấy có vẻ như chúng tôi sẽ vượt quá 1,5 độ C”, Gaston Browne, Thủ tướng Antigua và Barbuda, đồng thời là Chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ, đại diện cho 39 quốc gia, cho biết. “Chúng tôi rất quan tâm về điều đó. Đây là vấn đề sống còn của chúng tôi”.
Hội nghị COP26 là sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm đánh giá quá trình ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu. (Ảnh: AP).
"Tiến độ này vẫn chưa đủ"
Ông Gaston Browne cho rằng ảnh hưởng từ lợi ích của khu vực tư nhân đã khiến G20 không thể đưa ra được các kế hoạch tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh những nước phát triển cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả từ biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi ở đây để cứu hành tinh, không phải để bảo vệ lợi nhuận”, ông nói và đề cập tới những công ty đa quốc gia, cùng nhóm vận động hành lang quyền lực, đang được hưởng lợi từ trợ giá nhiên liệu hóa thạch.
Theo một số nhà phân tích, hội nghị G20 ở Rome đã có những bước tiến đáng kể, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng giữa thế kỷ và hành động trong thập kỷ này để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C.
Tuy nhiên, các nước nghèo cho biết những lời hứa này không đi kèm với kế hoạch rõ ràng.
Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 có những hành động tham vọng hơn để cắt giảm khí thải nhà kính trong hai ngày hội đàm với hơn 100 nguyên thủ quốc gia ở Glasgow, và sau đó là gần hai tuần thảo luận với các quan chức cấp cao.
“Tôi rất lo lắng, nhưng dù vậy, tôi vẫn hy vọng”, ông Browne nói.
Đồng nhận định, Sonam Wangdi, Chủ tịch của Nhóm các nước kém phát triển, đại diện cho hơn một tỷ người trên toàn cầu, cho rằng đến nay, tiến độ cứu Trái đất “chắc chắn là chưa đủ".
“Chúng ta đang ở trên một chặng đường dài trong hành trình 1,5 độ C. Chúng tạ cần họ (các nước phát triển) để tăng tốc và đạt được tham vọng này", ông cho biết.
Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Bonn, Đức. (Ảnh: Unsplash).
Trong khi đó, Steve Victor, Bộ trưởng Môi trường của Palau, cho biết G20 đã tụt hậu xa so với đích mà đáng nhẽ nhóm này phải chạm tới để đảm bảo tương lai an toàn cho người dân của các quốc đảo nhỏ, đang phát triển.
“G20 tạo ra 80% lượng khí thải toàn cầu. Họ là nhóm quan trọng nhất để đảm bảo chúng ta có thể đi đúng trên con đường hướng tới một tương lai 1,5 độ C”.
Ông cho biết thêm các nước G20 nên đồng ý loại bỏ dần việc tiêu thụ than, đồng thời ngừng trợ giá nhiên liệu hóa thạch.
Hiệu ứng gợn sóng
Ởngưỡng hơn 1,5 độ C, nhiều hòn đảo nhỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng ngập lụt do mực nước biển dâng cao cùng các cơn bão dữ dội, nhưng ông Browne cho biết các nước phát triển cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
“Nhiều nước trong nhóm này cũng có các khu vực ven biển”, ông chỉ ra.
Bruce Billimon, Bộ trưởng Y tế của Quần đảo Marshall, cũng chia sẻ: "Những tác động biến đổi khí hậu sẽ không chỉ cảm nhận được ở các quốc gia như chúng tôi. Tôi tin nó sẽ còn tạo ra một hiệu ứng gợn sóng, do đó trong nhiều năm tới, tất cả quốc gia trong G20 sẽ bị ảnh hưởng”.
Anh cho biết tại COP26, các nước đang phát triển sẽ có cơ hội để trình bày những lo ngại này với các nhà lãnh đạo G20 tại cuộc họp trực tiếp ở Glasgow.
Các đại biểu đeo khẩu trang tại khu vực chung của hội nghị về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc COP26. (Ảnh: Reuters).
Nhiều quan chức G20 cảm thấy rằng họ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hội nghị thượng đỉnh tuần trước ở Rome.
G20, bao gồm các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch như Nga và Saudi Arabia, cùng quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc, đã đồng ý hành động trong thập kỷ này về chống biến đổi khí hậu. Và theo Tom Burke, đồng sáng lập của tổ chức nghiên cứu biến đổi khí hậu E3G, đây là một sự thay đổi tích cực
“Từ quan trọng trong phát biểu mới đây là ‘trong thập kỷ này’. Trước đây họ chỉ nói về năm 2050, một điều quá xa vời”, ông cho biết.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gây bất ngờ cho các đại biểu dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 với cam kết liên quan đến mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2070. Tuy nhiên, mốc thời gian này chậm hơn 2 thập niên so với kỳ vọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/11 cũng kêu gọi các nước phát triển nỗ lực nhiều hơn nữa để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng không đưa ra cam kết về mức giảm phát thải.
Theo Bộ trưởng Victor của Palau, thay đổi mới cho thấy các nước trong nhóm G20 cũng đang cảm nhận được "sự cấp bách" ngày càng tăng.
Đây là một tín hiệu chính trị tiếp thêm động lực để giúp đạt được các thỏa thuận trong hội nghị COP26 sắp tới, Victor cho biết.
"Thập kỷ này có lẽ là thập kỷ quyết định trong lịch sử. Nếu chúng ta không giảm được một nửa lượng khí thải vào năm 2030, cơ hội hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C cùng với một tương lai bền vững sẽ vụt mất”, ông nhấn mạnh.