Có nguy cơ đại dịch cúm với chủng H5N1 biến đổi

Nếu 2 chủng virus cúm A và B gắn kết với nhau sẽ tạo ra một loại virus nguy hiểm có độc lực cao và dễ lây từ người sang người.

- Phóng viên: Thưa thứ trưởng, trước nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm, Bộ Y tế đã có những biện pháp nào để phòng chống?

Vịt thả đồng được nuôi tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. (Ảnh: L.Giang)
- Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn: Hiện tại, dịch cúm gia cầm đã lan rộng ở nhiều quốc gia. Trong đó, đặc biệt ở một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Lào, dịch cúm trên gia cầm đã xuất hiện trở lại và có người tử vong. Do đó, VN được đặt vào tình trạng báo động về khả năng virus H5N1 có thể bùng phát trở lại qua đường buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới. Trước tình hình đó, ngày 2-8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông báo những biện pháp cấp bách tăng cường phòng chống dịch cúm A H5N1. Bộ trưởng yêu cầu ban chỉ đạo các cấp phòng chống đại dịch cúm ở người kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch gia cầm, các trường hợp mắc cúm A H5N1 ở người; cách ly kịp thời và xử lý triệt để, không để dịch bùng phát và lan rộng; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán, vận chuyển sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu biên giới. Ngành y tế tăng cường kiểm dịch biên giới, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. 

- Về phía cơ sở, hiện có đủ phương tiện cần thiết để đối phó với đại dịch nếu xảy ra?

- Hiện cả nước đã chuẩn bị hơn 127.000 giường bệnh, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 1/4 yêu cầu tiếp nhận bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã cung cấp đợt 1 máy giúp thở cho hầu hết các địa phương và đang tiếp tục mua các trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống dịch để cung cấp đợt 2, đề phòng dịch xảy ra trong mùa đông tới. So với yêu cầu thực tế thì các phương tiện, thuốc và hóa chất vẫn chưa đủ. 

- Qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết virus H5N1 có thể có những đột biến gien. Điều này có thật sự là mối lo ngại?

Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn
- Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư vừa công bố kết quả giám sát cúm ở 5 tỉnh, TP trọng điểm (Hà Nội, Thái Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM) 6 tháng đầu, cho thấy cúm A và B đang diễn biến bất thường. Đáng lưu ý, tỉ lệ các chủng virus gây bệnh cúm đã thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm 2005. Tỉ lệ chủng cúm B tăng nhanh, chiếm đến 11,2% số bệnh nhân (cùng kỳ 2005, tỉ lệ này chỉ ở mức 2,2%). Virus cúm A chiếm hơn 8% (cùng kỳ là 16%). Việc biến đổi thất thường của các virus cúm gây lo ngại về nguy cơ xảy ra dịch cúm H5N1 vào dịp đông - xuân 2006-2007 với chủng virus H5N1 biến đổi do kết hợp với những chủng gây bệnh cúm thông thường. 

- Virus cúm type B có nguy hiểm không, thư ông?

- Hằng năm, thế giới vẫn ghi nhận hàng triệu người mắc cúm type B. Virus cúm B có khả năng gây ra bệnh cúm ở người, khá nguy hiểm với người già, trẻ em suy dinh dưỡng, bởi có thể gây các bệnh hô hấp và biến chứng nên tỉ lệ tử vong cũng rất cao. Tuy nhiên, nếu hai chủng virus cúm A và B gắn kết với nhau sẽ tạo ra một virus nguy hiểm có độc lực cao và dễ dàng lây từ người sang người. 

- Vậy ngành y tế có những khuyến cáo gì đối với người dân để phòng chống dịch bệnh?

- Con người chưa có đáp ứng miễn dịch với chủng virus cúm mới. Do đó, nếu xảy ra đại dịch, số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn nhiều so với những đợt cúm thông thường. Cùng với việc thường xuyên vệ sinh cá nhân, môi trường sống, người dân tuyệt đối không mua và sử dụng gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc. Cần thông báo ngay với chính quyền địa phương khi phát hiện gia cầm, thủy cầm chết để sớm có biện pháp khoanh vùng và khống chế sự lây lan của dịch.

TPHCM khẩn trương rà soát địa bàn

Xét nghiệm đàn cò tại Khu Du lịch Suối Tiên và 2 đàn vịt ở Tây Ninh đều cho kết quả dương tính với H5N1

Chiều 3-8, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín làm trưởng ban, đã họp khẩn cấp để bàn biện pháp phòng chống trước nguy cơ dịch cúm gia cầm quay trở lại.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TPHCM, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm ở TP là rất lớn. Vừa qua, cơ quan thú y TP đã lấy mẫu xét nghiệm đàn cò tại Khu Du lịch Suối Tiên với kết quả dương tính với virus cúm gia cầm. Mới đây, tại Tây Ninh có 2 đàn vịt (hàng ngàn con) xảy ra hiện tượng chết liên tục chỉ còn vài trăm con. Ngành thú y TP cũng đã lấy mẫu xét nghiệm từ 2 đàn vịt trên, kết quả cho thấy chúng dương tính với virus cúm gia cầm. Lượng gia cầm từ các tỉnh đưa về TP giết mổ, khi lấy mẫu xét nghiệm, cho thấy hàm lượng kháng thể đủ khả năng bảo hộ virus cúm gia cầm đối với gà chỉ đạt 19,6% và vịt là 18,8%, một tỉ lệ còn quá thấp. Kết quả trên cho thấy, việc tiêm phòng tại nhiều địa phương còn quá sơ sài.

Ông Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại địa bàn, củng cố nhân sự trong ban chỉ đạo các cấp; thực hiện nghiêm các chỉ thị, thông tư, quyết định đã ban hành về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; thực hiện nghiêm túc cơ chế phối hợp giữa các ban ngành, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và phải có người chịu trách nhiệm.

N.Hải

Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú Y:

Tăng cường giám sát dịch ở biên giới

Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm từ thời điểm này đến cuối năm là rất cao. Do vậy, trước mắt chúng tôi đã có công điện yêu cầu các địa phương thực hiện đầy đủ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các đợt tiêm vắc-xin, đặc biệt là các vùng có lượng chăn nuôi lớn như Nam Định, Tiền Giang, Hà Tây và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành tiêu độc, khử trùng các trang trại, hộ chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, cần kiểm soát thật chặt hoạt động giết mổ, buôn bán gia cầm, thủy cầm tại các chợ.

A.T ghi

Theo Người lao động
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video