Cách đây chưa lâu, châu Âu đã ra quyết định cấm bán các mẫu xe vận hành bằng xăng hoặc diesel từ năm 2035 trở đi. Mới đây, Ủy ban châu Âu đã tiếp tục họp và thử lên kế hoạch tiếp tục cho phép bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong kể từ năm 2035 với một điều kiện, đó là phải chạy bằng loại nhiên liệu không phát thải, tạm gọi là xăng xanh.
Theo mô tả của tờ Reuters, bản kế hoạch chưa chính thức này đề xuất định danh một loại ô tô mới mà chỉ có thể vận hành bằng xăng xanh. Những mẫu xe này sẽ phải được trang bị công nghệ ngăn không cho chiếc xe vận hành bằng năng lượng hóa thạch.
Châu Âu đang thảo luận cho phép tiếp tục bán xe sử dụng động cơ đốt trong chạy xăng xanh.
Bản kế hoạch này có thể sẽ giúp vạch ra một con đường mới cho các nhà sản xuất ô tô, tiếp tục bán các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong kể từ năm 2035.
Như đã đề cập ở trên, sau nhiều tháng thảo luận thì Nghị viện châu Âu và các quốc gia trong khối đã thống nhất cấm bán các loại xe sử dụng xăng hoặc diesel từ năm 2035. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Đức đã khiến các quốc gia khác ngạc nhiên khi đưa ra phản đối kế hoạch ở phút chót - vài ngày trước khi quy định trên đi vào thực tiễn.
Mong muốn cốt lõi của Bộ Giao thông Đức là châu Âu sẽ cấp phép kinh doanh loại xe sử dụng xăng xanh từ sau năm 2035. Hôm thứ 3 21/3 vừa qua, Bộ Giao thông Đức cho biết rằng Bộ và Ủy ban châu Âu đang tìm phương hướng giải quyết vấn đề - điều mà cả ngành xe Đức đang theo dõi sát sao.
Theo 2 nguồn tin thân cận với vấn đề của Reuters, điều kiện Ủy ban châu Âu đặt ra rằng xe phải nhận biết được xăng xanh và nhiên liệu hóa thạch sẽ là một bài toán hóc búa với Đức, vì điều này sẽ khiến các hãng xe phải phát triển loại động cơ mới - việc làm rất tốn kém.
Nguồn tin riêng của Reuters cũng cho biết rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức, ông Volker Wissing, không muốn phản đối hoàn toàn đề xuất của Ủy ban châu Âu, nhưng muốn thay đổi một vài chỗ.
Ủy ban châu Âu và Bộ Giao thông Đức mong muốn có thể tìm ra tiếng nói chung và đi đến thống nhất vào hôm nay - thứ 5 ngày 23/3.
Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu từ chối đưa ra bình luận về bản kế hoạch chưa chính thức, nhưng có nhắc tới phát ngôn của người chịu trách nhiệm cho chính sách khí hậu tại Liên minh châu Âu, ông Frans Timmermans, rằng mọi giải pháp đưa ra phải tuân theo quyết định cấm bán xe sử dụng xăng, diesel đã thống nhất.
Một quan chức tại Liên minh châu Âu cho Reuters biết rằng quyết định cho bất cứ bản đề xuất nào về xe chạy xăng xanh chỉ có thể có sau khi quy định cấm bán xe sử dụng xăng, diesel chính thức đi vào thực tiễn.
Xăng xanh được hiểu là loại nhiên liệu không phát thải, được sản xuất bằng cách tổng hợp khí CO2 thu được từ không khí với khí hydro; tất cả quá trình sản xuất phải sử dụng điện không phát thải khí CO2 (ví dụ như điện mặt trời, điện gió).
Loại nhiên liệu này chưa thể sản xuất với số lượng lớn. Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng trong vài năm nữa, các dự án sản xuất xăng xanh trên toàn thế giới mới chỉ có thể sản xuất đủ nhiên liệu đáp ứng 10% nhu cầu của Đức trong ngành hàng không, vận tải và hóa chất.
Nhà máy xăng xanh của HIF Global.
Hiện nay, Porsche là một trong những nhà đầu tư nghiên cứu và sản xuất loại xăng xanh theo như mô tả trên. Porsche hiện có một nhà máy thử nghiệm tại Chile, mới chính thức đi vào hoạt động từ gần cuối tháng 12/2022.
Chính xác thì Porsche nắm giữ 12,5% cổ phần của HIF Global, đơn vị đứng sau nhà máy sản xuất xăng xanh tại Chile, có thể sản xuất khoảng 130.000 lít trong giai đoạn thử nghiệm. Khi sản xuất tối đa, Porsche kỳ vọng có thể sản xuất 55 triệu lít mỗi năm vào năm 2025, nâng lên gấp 10 lần vào năm 2027.
Các giám đốc của Porsche đang nạp xăng xanh cho một chiếc Porsche 911.
Loại nhiên liệu tổng hợp của Porsche được sản xuất bằng cách sử dụng điện từ điện gió, điện phân nước thành oxy và hydro; khí hydro thu được sau đó kết hợp với CO2 để tạo ra methanol tổng hợp. Methanol tổng hợp sau đó sẽ được chuyển hóa thành xăng xanh mà có thể sử dụng trên các loại động cơ đốt trong thông thường. Khi sử dụng loại nhiên liệu tổng hợp này, lượng CO2 thải ra sẽ gần như bằng với lượng CO2 cần để sản xuất, tức tiệm cận khái niệm nhiên liệu không phát thải.
Dự án sản xuất xăng xanh này không chỉ dành cho mỗi ô tô, mà loại nhiên liệu này có thể sử dụng trong ngành hàng không và vận tải. Trong quá trình sản xuất xăng xanh, methanol tổng hợp có thể thay thế các loại nguyên liệu hóa thạch thô trong ngành công nghiệp hóa học.