Một nghiên cứu cho thấy tổng khối lượng của các loài động vật hoang dã có vú đã giảm 20 triệu tấn trong hai năm qua, còn chưa bằng 10% tổng khối lượng của con người.
Gấu nâu săn cá hồi ở Alaska. (Ảnh: Advnture).
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel đã công bố một nghiên cứu vào tháng này. Nghiên cứu chỉ ra các loài động vật có vú trên cạn còn sống ngày nay có tổng khối lượng trên 22 triệu tấn, so với tổng khối lượng của con người là 390 triệu tấn.
Nhóm nghiên cứu cho biết chênh lệnh này đã gióng hồi chuông cảnh báo rằng môi trường sống của các sinh vật hoang dã đang dần bị thu hẹp, Guardian đưa tin ngày18/3.
Ron Milo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng ý tưởng Trái đất là hành tinh với những đồng bằng rộng lớn và những khu rừng đầy ắp động vật hoang dã giờ đây là khác xa thực tế.
"Khi xem phim tài liệu về thế giới động vật, như cảnh di cư của linh dương đầu bò, bạn sẽ dễ kết luận động vật hoang dã có vú đang sống tốt. Điều đó là sai lầm", ông nói.
Con nai sừng tấm đang trong quá trình lột nhung. (Ảnh: National Geographic).
"Tổng khối lượng của chúng ít hơn 10% so với tổng khối lượng con người. Nếu cộng thêm các loại gia súc phục vụ con người, con số đó sẽ tăng thêm 630 triệu tấn. Điều này có nghĩa là gấp 30 lần so với động vật hoang dã", tác giả nghiên cứu cho hay.
Tính toán chỉ ra hai năm trước, tổng khối lượng của động vật hoang dã có vú là 50 triệu tấn. Điều này chỉ ra khủng hoảng với động vật hoang dã đang diễn ra nhanh hơn đánh giá ban đầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục đánh giá mức độ suy giảm sinh khối của động vật hoang dã trong hơn 100 năm qua.
Tổng khối lượng của động vật có vú dưới nước cũng không có nhiều khác biệt, với khoảng 40 triệu tấn.