Các thử nghiệm mới đây của các nhà khoa học Mỹ trên chuột cho thấy, nhờ các phân tử nano, người ta có thể đưa thuốc trị ung thư vào sâu trong khối u và tiêu diệt chúng mà không gây tổn thương các phần còn lại của cơ thể.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học tại Trường ĐH Y Harvard và Viện công nghệ Massachusetts đã gắn các phân tử nano với thuốc trị ung thư có tên Taxotere. Các phân tử này sau đó được tiêm trực tiếp vào các khối u của người - được tạo ra từ các tế bào ung thư tuyến tiền liệt và được cấy vào chuột thí nghiệm. Những con chuột này được theo dõi trong vòng 100 ngày.
Công nghệ được sử dụng bao gồm một phân tử nano làm từ hydro và carbon polymer với các mẩu thuốc bám quanh lớp kết cấu của nó. Khi polymer dần dần phân giải sẽ để lộ thuốc từng chút một.
Số chuột trong nghiên cứu được chia thành 5 nhóm và được thử nghiệm theo các mức khác nhau. Ở nhóm chuột được tiêm các hạt nano chứa thuốc và được lập trình nhắm tới mục tiêu, kết quả nằm ngoài mong đợi: khối u hoàn toàn biết mất, theo tiến sĩ Omid Farokhzad, thành viên nhóm nghiên cứu.
Công nghệ nano đã được nghiên cứu từ vài thập kỷ qua, nhưng cho đến giờ người ta mới bắt đầu nhận ra tiềm năng của nó. Giới y học mong rằng nó sẽ là một trong các lĩnh vực đem lại nhiều ích lợi nhất cho họ. Trong bệnh ung thư, họ hy vọng công nghệ nano sẽ cho phép phân phối dược phẩm và phẫu thuật chính xác hơn cũng như giúp phương pháp hóa trị liệu ít gây hại hơn.
T.VY (Theo MSN)