Cúm A/H5N1 trở lại

Sau bốn tháng im hơi lặng tiếng, cúm A/H5N1 đã quay trở lại mà bằng chứng là ca tử vong đầu tiên "dính" vi rút gia cầm này do ăn tiết canh vịt trước khi phát bệnh.

Bộ Y tế vừa chính thức xác nhận thêm một ca tử vong vì cúm A/H5N1. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận do cúm A/H5N1 tại tỉnh Điện Biên, kể từ ngày 21/10/2009 địa phương này thông báo có dịch cúm gia cầm tại hai xã thuộc địa bàn tỉnh. Như vậy, kể từ tháng 4/2009 đến nay, sau hơn nửa năm, Việt Nam lại ghi nhận trường hợp tử vong vì cúm A/H5N1.

Điều đáng nói trong năm 2009, cả nước ghi nhận 5 ca nhiễm cúm A/H5N1 tại 5 tỉnh là Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Ninh Bình và tỉnh Đồng Tháp, thì cả 5 trường hợp đều tử vong. Điều tra dịch tễ của ngành y tế cho thấy, hầu hết ca tử vong vì cúm A/H5N1 đều liên quan đến việc ăn uống, chế biến, giết mổ gia cầm ốm, chết. Riêng ca tử vong gần đây nhất tại tỉnh Điện Biên, bệnh nhân ăn tiết canh vịt trước khi khởi phát bệnh một tuần. 

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, do tâm lý “điếc không sợ súng”, người dân vẫn vô tư giết mổ gia cầm ốm chết, ăn tiết canh ngan, vịt sống, bất chấp những khuyến cáo đến “rát cổ, nổ họng” của các cơ quan chức năng. Còn nhớ, cuối tháng 5/2009, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, phòng chống các dịch bệnh ở người và động vật, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định cấm bán tiết canh động vật trên toàn quốc. Nhưng trên thực tế, quyết định cứ ra, người bán vẫn bán, người ăn vẫn ăn, còn cơ quan chức năng thì dường như… bất lực.

Cũng trong quyết định này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát còn đề nghị các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thắt chặt việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ động vật. Đồng thời, sản phẩm động vật phải được bày bán ở nơi quy định, cấm buôn bán động vật không có nguồn gốc và không qua kiểm dịch thú y. Thế nhưng, tình trạng buôn bán, nhập lậu động vật, gia cầm và các sản phẩm nội tạng động vật, gia cầm không được kiểm dịch vẫn diễn ra “nhộn nhịp” ở các cửa khẩu, biên giới. Những chiếc xe hàng tải trọng lên đến hàng chục tấn, chở gà lậu, nội tạng động vật… ngày đêm vẫn “chui lọt lỗ kim”, “đàng hoàng” về đến tận Thủ đô, thậm chí giao tận tay, tận nhà cho khách hàng.

Theo một báo cáo của Chi cục Thú y Lạng Sơn, cơ quan này đã lấy 591 mẫu gộp dịch ổ nhớt, dịch họng gia cầm và 80 mẫu huyết thanh gia cầm từ số gà Trung Quốc nhập lậu bị thu giữ, gửi đến Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả 73 mẫu có kháng thể virus cúm A/H5N1. Ông Đỗ Văn Được, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, chuyện bắt giữ, tiêu hủy gà nhập lậu, trứng gà, các sản phẩm động vật như tim, nầm lợn, thịt vịt làm sẵn, tràng trứng… nhập lậu là chuyện “thường ngày ở huyện” của các ngành chức năng tỉnh này.

Trong khi dịch cúm A/H1N1 đang hoành hành, cộng với thời tiết lạnh thuận lợi cho virus phát triển và ý thức chủ quan, coi thường dịch bệnh của người dân, dịch cúm gia cầm hội tụ đầy đủ các yếu tố để quay trở lại. Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường khẳng định, khi có bệnh nhân cúm A/H5N1 chứng tỏ virus cúm này còn tồn tại trong môi trường cũng như trên gia cầm. Các chuyên gia ngành y tế, thú y đang phối hợp để tiếp tục nghiên cứu vi-rút cúm trên gia cầm và virus cúm A/H5N1 trên người qua những ca mắc mới nhất.

Lo ngại về sự kết hợp giữa hai chủng virus đều mang độc lực cao, tỷ lệ tử vong lớn là H5N1 và H1N1 của ngành y tế không phải là “dọa”. Và như vậy, nguy cơ đây là năm đầu tiên, người dân phải đón một cái Tết “cùng” hai dịch bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Mong rằng vẫn sẽ có hình ảnh con gà nằm trang trọng trong mâm cỗ ngày Tết cúng gia tiên chứ không phải bị tẩy chay, suýt “tuyệt chủng” như Tết năm nào...

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video