Cứu sống biển Aral

Khi Mặt trời bắt đầu ló dạng trên biển Aral (nằm ở Trung Á, phía Bắc giáp Kazakhstan, Nam giáp Uzbekistan), bác ngư dân Alek giong buồm ra khơi. Sau một lúc buông lưới, ông kéo lên khỏi mặt nước mẻ lưới đầy ắp cá chép, cá tầm và cá bơn... - một điều ông không dám mơ tới cách đây 2 năm. “Tất cả đều nhờ con đập này”, Alek nói trong khi tay đổ cá xuống khoang tàu.

Do chính phủ Kazakhstan xây dựng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), đập nước dài 13 km chia biển Aral làm 2 phần này là một phần của dự án 68 triệu USD nhằm khắc phục một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất thế giới do con người tạo ra, đồng thời làm hồi sinh biển Aral mà theo cảnh báo của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nếu không có biện pháp bảo tồn, sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2020.

Con đập - “cứu tinh” của biển Aral và ngư dân địa phương. (Ảnh: baoCanTho)

Sự ra đời của con đập đã đưa nước từ sông vào “nuôi sống” khu vực phía Bắc biển Aral. Theo các quan chức Kazakhstan, nhờ có đập, 40% lượng nước đã trở về biển, mở ra hy vọng không chỉ về cuộc sống mới sung túc hơn cho các làng chài mà còn gợi lại ký ức về biển đối với thế hệ trẻ ở địa phương. Đầu tháng 4 vừa qua, Kazakhstan được WB cho vay thêm 126 triệu USD để xây dựng chiếc đập thứ hai để đưa nước trở về cảng Aralsk - từng là bến cảng lớn nhất dọc theo bờ bien Aral. Biển Aral hiện cách cảng này ít nhất 40 km nhưng theo chính phủ Kazakhstan, giai đoạn hai của dự án sẽ làm nó hồi sinh lại vào năm 2010.

Từng được xếp là hồ nước lớn thứ 4 thế giới với diện tích khoảng 68 ngàn km2, biển Aral bắt đầu thu hẹp dần vào cuối những năm 1960 do 2 con sông lớn Amu Darya và Syr Darya ở Trung Á, nguồn cung cấp nước cho biển, được chuyển dòng để phục vụ tưới tiêu nhằm thúc đẩy sản lượng bông vải ở Kazakhstan và Uzbekistan. Hậu quả của việc sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên diện rộng đã làm biển Aral thu hẹp 50% diện tích và 3/4 khối lượng nước.

Khi thiếu nước, biển Aral cạn dần, hiện tượng sa mạc hóa lan rộng, làm thay đổi khí hậu, phá hủy hệ sinh thái, tiêu diệt các loài động thực vật, và buộc hàng ngàn người dân địa phương sơ tán. Mỗi năm các ngư dân phải đi xa để lấy nước và cá dưới biển ngày càng ít lại. Hiện tượng sa mạc hóa và nồng độ muối trong nước biển tăng ở vùng biển Aral còn lại đã gây nên những trận bão muối. Theo ước tính của UNEP, mỗi ngày có 200.000 tấn muối và cát từ đáy biển Aral bị gió cuốn vào vùng đất canh tác trong vòng bán kính 300 km. Tình trạng nhiễm mặn phá hủy các cánh đồng nuôi gia súc, đất trồng trọt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cư dân trong vùng. Hệ quả của biển Aral “hấp hối” đã đẩy người dân địa phương lâm vào cảnh khốn đốn.

Tuy nhiên, giải pháp xây đập dẫn nước vào biển chưa phải là giải pháp triệt để. Khu vực phía Nam biển Aral vẫn đang tiếp tục hẹp dần. Các chuyên gia môi trường khuyến cáo hai nước chia sẻ biển Aral là Kazakhstan và Uzbekistan cần có những hành động khẩn cấp nếu muốn bảo tồn ít nhất một phần của vùng biển này.


Hình ảnh biển Aral năm 2003 (trái) và năm 2006 (phải) (Ảnh: BBC)

THÁI AN

Theo BBC, Báo Cần Thơ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video