Mô hình dạ dày nhân tạo
Các nhà khoa học tại trường "King's College" ở London - Anh đã "chế tạo" thành công mô hình dạ dày giả, hoạt động như dạ dày thật để nghiên cứu việc tiêu hóa.
(Ảnh: BBC)
Dạ dày nhân tạo này là một thiết bị tinh vi, được chế từ kim loại và chất dẻo, có thể chịu được a-xít ăn mòn và các enzymes vốn có trong dạ dày.
Mô hình dạ dày nhân tạo này có thể tiêu hóa được thức ăn thông những phản ứng vật lý và hóa học xảy ra trong quá trình tiêu hóa, thậm chí cả hiện tượng nôn mửa.
Tiến sĩ Martin Wickham, người đứng đầu nhóm "sáng chế" dạ dày trên, cho biết so với những dạ dày nhân tạo trước đây, chỉ tập trung mô phỏng lại tiến trình tiêu hóa, dạ dày do nhóm của ông "chế tạo" đã có thể sao chép được cả những cơn co bóp của dạ dày thật khi nghiền thức ăn và chuyển thức ăn đã nghiền tới đường ruột.
Tiến sĩ Martin Wickham cùng nhóm nghiên cứu đã chế tạo ra mô hình dạ dày nhân tạo (Ảnh: channels.netscape.ca) |
Điều này cho phép con người phát triển các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. Chẳng hạn, các nhà khoa học có thể biết glucose hấp thu vào máu nhanh như thế nào để tìm cách điều trị bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Peter Ellis, chuyên gia hóa sinh tại trường "King's College" cũng cho rằng dạ dày nhân tạo là một công cụ quan trọng, sẽ cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ tiến trình tiêu hóa diễn ra trong dạ dày.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học khác lại khuyến cáo rằng "dạ dày là một cơ quan rất phức tạp. Không thể tạo nên một mô hình thực hiện được tất cả những chức năng của nó".