Mây dạ quang phát sáng vào ban đêm thường xuất hiện tại vùng cực gần đây được quan sát xa hơn về phía nam, đến tận lãnh thổ nước Mỹ.
Kỳ lạ đám mây phát sáng trong đêm
Theo UPI, quan sát viên mặt đất và tàu vũ trụ AIM (Aeronomy of Ice in the Mesosphere - Băng trong tầng trung lưu) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện mây dạ quang, hay mây "phát sáng vào ban đêm", trên lãnh thổ Mỹ hôm 10/6.
Mây dạ quang vùng cực xuất hiện trong sắc thái xanh nhạt và trắng khi nhìn từ không gian. (Ảnh: NASA's Earth Observatory).
Sau khi tàu thăm dò vũ trụ AIM ghi lại số liệu về mây dạ quang, các nhà khoa học tạo ra hình ảnh tổng hợp về sự hiện diện của chúng, giống như đang nhìn thấy từ ngoài không gian. Những đám mây xuất hiện trong sắc thái khác nhau từ xanh nhạt đến trắng, phụ thuộc vào mật độ của hạt băng bên trong đám mây.
Mây dạ quang vùng Cực hình thành vào mùa xuân và mùa hè. Bầu khí quyển ở tầng cao có nhiệt độ thấp, khiến hơi nước ngưng tụ và đóng băng xung quanh các hạt bụi cực nhỏ như bụi sao băng và phần tử khác đóng vai trò là "hạt nhân". Khi tinh thể băng đá tích tụ lại đủ nhiều, chúng ta có thể quan sát được nhiều dải mây màu xanh nhạt và màu trắng sáng lấp lánh.
Tàu thăm dò vũ trụ AIM lập biểu đồ xuất hiện của những đám mây phát sáng vào ban đêm trong nhiều năm nay. Dữ liệu thu được cho thấy, mây dạ quang đang xuất hiện sớm hơn, thường xuyên hơn và ở vĩ độ thấp hơn. Một số nhà khoa học cho rằng, hiện tượng trên là kết quả của sự gia tăng khí thải nhà kính.
Mây dạ quang lần đầu tiên được ghi nhận vào giữa những năm 1800, sau vụ phun trào núi lửa Krakatau ở Indonesia phát tán rất nhiều tro bụi vào bầu khí quyển. Thậm chí khi tro bụi lắng xuống, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục quan sát thấy hiện tượng này.