Đàn đá Bình Đa - bảo vật hơn 3.000 năm tuổi

Sưu tập đàn đá Bình Đa có niên đại khoảng 3.000 đến 3.500 năm trước, được công nhận là những thanh đàn đá cổ nhất thế giới.

Sưu tập thanh đoạn đàn đá Bình Đa nằm trong số 27 hiện vật được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia ngày 30/1. Bộ sưu tập gồm 51 hiện vật, trong đó có năm thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh, phần bề mặt được phủ lớp patin màu xám nhạt.

Về hình dáng, những thanh đá dài, dẹt, thẳng, có thiết diện hình thoi hoặc tam giác. Hai rìa cạnh song song, cong lõm, bề mặt thân phẳng thẳng hoặc cong lõm thắt eo ở giữa. Rìa đầu thẳng, hình chữ V hoặc cong hình cung. Các vết chế tác có hướng đục theo chiều thống nhất từ rìa cạnh vào giữa thân, độ sâu khoảng 0,02-0,05 cm. Hiện vật đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai.


Một số thanh, đoạn trong sưu tập đàn đá Bình Đa. (Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai).

Sưu tập thanh đoạn đàn đá Bình Đa là sản phẩm bản địa, độc bản, có tuổi đời cổ nhất thế giới, theo hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa.

Hiện vật được phát hiện trong cuộc khai quật di chỉ khảo cổ Bình Đa (An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) rộng 7 hecta vào năm 1979. Các thanh, đoạn, mảnh đàn nằm rải rác thành các cụm ở độ sâu cách nền đồi 55-90 cm, lẫn với gốm vỡ và công cụ lao động bằng đá. Sưu tập đàn đá có năm tiêu bản nguyên, 15 đoạn đầu, 20 đoạn thân và các mảnh khác nhau. Trong khu khảo cổ, ngoài đàn đá, các nhà khảo cổ tìm thấy 13 cụm than tro, 140 cụm gốm, 8 cụm xương thú chôn trong nồi hũ gốm, 1.670 công cụ bằng đá, hàng tạ xương răng thú và hàng vạn mảnh đồ gốm vỡ - chứng tích của làng cổ, sinh hoạt cộng đồng.

Họ lấy mẫu than tro từ độ sâu 1,9 m để giám định C14 (xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ) tại Viện Cổ sử và Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học Đức. Kết quả cho thấy niên đại từ 3.080 năm, cộng, trừ thêm 50 năm, trước Công nguyên. Dựa theo đó, các nhà khoa học xác định đàn đá Bình Đá và loại hình di vật đàn đá Việt Nam có tuổi đời từ 3.000 đến 3.500 năm.


Khai quật di chỉ khảo cổ Bình Đa năm 1979. (Ảnh: EFEO).

Ngoài ra, xác định niên đại cho cổ vật còn dựa trên nghiên cứu, so sánh với đàn đá phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học khác.

Năm 1949, những người làm đường tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk phát hiện 11 thanh đá còn nguyên vẹn, xếp gần nhau theo phương thẳng đứng, kích thước từ 65 đến 110 cm, có dấu hiệu đục đẽo. Hay tin, Georges Condominas - nhà dân tộc học người Pháp, làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ - tìm đến và xin phép người dân đưa hiện vật về Paris, Pháp để nghiên cứu. Ông đưa 11 thanh đá tới Musée de l'Homme (Bảo tàng Con người) và mời Andre Schaeffner - nhà âm nhạc học, dân tộc học người Pháp - cùng giám định. Trên tạp chí Âm nhạc tháng 5/1951, họ xác nhận đó là những thanh đàn đá có tuổi đời cổ nhất thế giới. Tuy nhiên, niên đại của chúng chưa được xác định.

Sau năm 1975, các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm thanh đá ở vùng núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), Bác Ái (Bình Thuận), Tuy An (Phú Yên), đa dạng kích cỡ và hình dáng. Từ đó, các nhà nghiên cứu xác lập được hai truyền thống của đàn đá: truyền thống Ndut Lieng Krak - Bình Đa ở vùng Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên với kỹ thuật chế tác điêu luyện và truyền thống Khánh Sơn - Bác Ái ở khu vực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận được chế tác đơn giản, hình dạng không ổn định, các vết ghè thô dễ.

Tháng 5/1981, sau khi tiếp xúc với đàn đá Bình Đa, Georges Condominas đã bổ sung thông tin về cổ vật trong cuốn L’Exotique est quotidien, tái bản lần ba.

Sưu tập đàn đá Bình Đa được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá có hình thức độc đáo, kỹ thuật chế tác điêu luyện. Các nhà khảo cổ nhận định Đồng Nai là một trong những trung tâm chế tác đồ đá: công cụ sản xuất, đồ trang sức các loại, đạt trình độ cao thời tiền sử ở vùng đất Nam Bộ. Sưu tập đàn đá Bình Đa cũng kết tinh từ những thành tựu này, được tạo tác từ những người có kinh nghiệm.

Đàn được làm từ đá sừng, phiến đốm - có âm thanh vang, trong khi gõ lên mặt đá, ở dạng kết thành lớp, dễ tách thành những tấm đá dài, dẹt, phẳng, thẳng, phù hợp với dáng cơ bản của những thanh đàn. Cộng đồng cư dân cổ Đồng Nai áp dụng kỹ thuật chế tác cưa, ghè thành thạo, điêu luyện. Điều đó được thể hiện qua dấu ghè đẽo trực tiếp và gián tiếp, các bước tu chỉnh tỉ mỉ, các lớp ghè chỉnh lớn, nhỏ, nông sâu, chồng chất nhau, cho thấy kỹ thuật đẽo đi đẽo lại nhiều lần trên từng thanh đàn.


Đoạn đá ngắn, mỏng sẽ tạo ra âm thanh trong hơn. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa cung cấp).

Sự ra đời của đàn là minh chứng cho việc cư dân thời tiền sử tạo ra những âm thanh làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần. Ban đầu, đàn dùngđể xua đuổi chim, thú dữ phá hoại mùa màng. Sau đó, chúng được sử dụng trong lễ cúng thần linh, mừng lúa mới, được mùa. Phiến đá dài, to, dày có âm vực trầm, đoạn ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh và trong hơn.

Hồ sơ bảo vật khẳng định: "Sưu tập thanh đoạn đàn đá Bình Đa là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo, điển hình, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật cổ học, chế tác tại chỗ, có giá trị lịch sử, văn hóa và là nhạc cụ cổ xưa nhất. Hiện vật đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để công nhận là bảo vật quốc gia".

Cập nhật: 30/03/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video