Đặt thủy tinh thể loại mới, không cần đeo kính

Bằng cách đặt thủy tinh thể nhân tạo loại mới, sau phẫu thuật, bệnh nhân đục thuỷ tinh thể có thể không cần đeo kính.

Trước khi tiến hành phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo điều tiết Acrysof Restor, bệnh nhân phải đi kiểm tra mắt và đáy mắt càng sớm càng tốt. (Ảnh: H.Cát)

Một tháng sau khi được đặt cả thủy tinh thể nhân tạo điều tiết Acrysof Restor ở cả hai mắt, 23 bệnh nhân không cần dùng thêm kính trong sinh hoạt hàng ngày mà vẫn có thể nhìn được cả khoảng cách gần và khoảng cách xa.

Kết quả này đã được BS. Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM thông báo trong buổi họp báo ngày 15/6 trước hội thảo Khoa học Kỹ thuật Nhãn khoa lần thứ 8.  

Từ cuối năm 2004, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã thử nghiệm áp dụng thủy tinh thể nhân tạo điều tiết tại khu Bán công Kỹ thuật Cao. Khoảng 200 ca đã được tiến hành mổ để đặt loại thủy tinh thể nhân tạo điều tiết Acrysof Restor. Trong đó, có 23 ca được đặt thủy tinh thể nhân tạo điều tiết ở cả ở hai mắt.

Trong khi thủy tinh thể nhân tạo thông thường chỉ cho phép người đeo hoặc nhìn xa hoặc nhìn gần, thủy tinh thể nhân tạo Restor có thể điều chỉnh cả tầm nhìn gần  và nhìn xa. Do đó, nó có thể giúp bệnh nhân khoảng nhìn rộng từ nhìn gần, trung bình, và nhìn xa mà không cần hay hạn chế tối đa đeo kính hỗ trợ sau khi phẫu thuật.

Thủy tinh thể là chiếc đĩa trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, nó tập trung các tia sáng đi vào võng mạc để tạo thành hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim. Thủy tinh thể có chức năng như một thấu kính hội tụ nằm sau mống mắt và tham gia vào quá trình điều tiết của mắt.

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể. Thủy tinh thể bị đục cũng giống như tấm kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Sự đục mờ này ngăn không cho tia sáng lọt qua. Kết quả, võng mạc không thu được hình ảnh và thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa.

Nguyên nhân chính liên quan đến tuổi già, bệnh lý tiểu đường, cao huyết áp, cận thị, chấn thương. Trên 80% người mắc bệnh đục thủy tinh thể là người có độ tuổi trên 50. Ngoài ra có có nhiều nguyên nhân khác như các tia tử ngoại, hồng ngoại trong ánh sáng mặt trời...

Các triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể: Một, mắt nhìn thấy mờ, thị lực suy giảm, khó nhìn, lóe sáng, quáng gà, ra nắng mờ hơn trong nơi râm mát. Hai, sức nhìn kém trong các vùng sáng bao quanh. Ba, nhìn một vật thành hai hoặc ba; và thường xuyên thay đổi kính đeo mắt.

(Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Theo kết quả nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Mỹ (Food and Drug Administration  - FDA), 80% bệnh nhân được đặt loại thủy tinh thể nhân tạo điều tiết này không cần đeo kính hỗ trợ để nhìn xa hoặc nhìn gần. Cho tới nay, kết quả này còn tốt hơn nữa, hơn 90% bệnh nhân sau phẫu thuật không cần dùng kính bổ sung.

Trong khi đó, sau khi đặt loại thủy tinh thể nhân tạo thông thường, chỉ có khoảng 20% bệnh nhân không cần đeo kính hỗ trợ.

Chỉ định tốt nhất trong việc dùng loại thủy tinh thể nhân tạo điều tiết này, là bệnh nhân chỉ bị bệnh đục thủy tinh thể và không có bất cứ bệnh gì khác về mắt.

Vì vậy, BS. Phương Thu nhấn mạnh để đạt được kết quả phẫu thuật tốt nhất, bệnh nhân cần phải đến khám sớm, để bác sĩ khám được đáy mắt nhằm loại trừ các bệnh lý khác.

Tuy nhiên bệnh nhân đục thủy tinh thể đến khám ở Bệnh viện Mắt TP.HCM, chủ yếu là ở giai đoạn cuối. Nhãn cầu bị đục và trắng nên các bác sĩ rất khó tiên lượng các bệnh lý khác về mắt, do không thăm khám được đáy mắt.

Hiện nay, tại khoa Bán Công Kỹ thuật Cao của Bệnh viện Mắt, chi phí cho một thủy tinh thể nhân tạo điều tiết này là 1.000USD/mắt, trong khi đó tại Mỹ, chi phí đó là 4.000 – 5.000 UDS.

Bệnh viện Mắt TP.HCM vẫn đang theo dõi kết quả lâu dài trong từ 2 - 3 năm, nên chưa giới thiệu rộng rãi cho bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thủy tinh thể nhân tạo điều tiết này.

Trong tương lai, phương pháp dùng thủy tinh thể nhân tạo điều tiết có thể thay thế cho phẫu thuật thay đổi khúc xạ, có thể hướng tới mổ cho các bệnh nhân bị lão thị, thậm chí là bệnh nhân mắc bệnh lão thị chớm bị đục thủy tinh thể.

Theo thống kê của tổ chức Orbis, bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu, chiếm tỉ lệ 65% các nguyên nhân gây mù tại Việt Nam.

Hương Cát

Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video