Theo kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ Tây Ban Nha và Na Uy, đăng tải trên tạp chí Nature ngày 27/6, khủng long rất có thể thuộc loài động vật máu nóng.
Phát hiện này đã loại bỏ lập luận hùng hồn của giới khoa học từ trước tới nay khi cho rằng động vật khổng lồ bị tuyệt chủng này là loài máu lạnh.
Các nhà nghiên cứu trên cho biết, họ đã tiến hành nghiên cứu mô xương của các loài động vật có vú và phát hiện thấy các vòng phát triển hình cây trên xương của chúng, một đặc trưng vốn bị giới hạn ở các động vật máu lạnh tính đến thời điểm này.
Các đặc điểm trên cũng hiển thị trên mô xương của loài khủng long, chứng tỏ khủng long có thể có một tỷ lệ trao đổi chất cao cho phép sinh trưởng nhanh chóng và đây chính là dấu hiệu đặc trưng của loài động vật máu nóng.
Các nhà khoa học trước đây cũng đã phát hiện ra rằng, do kích thước cơ thể cực lớn và tiêu thụ một lượng thức ăn khổng lồ, khủng long có khả năng sản sinh ra nguồn năng lượng cực lớn tỏa ra môi trường.
Bằng cách nào đó họ không giải thích được, những con khủng long to lớn này đã làm giảm thân nhiệt của chúng xuống từ 4-7 độ C. Mức thân nhiệt của chúng tồn tại ở mức nhiệt từ 36-38 độ C, hoàn toàn giống với thân nhiệt của các loài động vật máu nóng.
Trong khi các loài bò sát ngày nay lại thuộc lớp động vật máu lạnh, vì chúng không thể kiểm soát được nhiệt độ cơ thể thông qua hệ thống trao đổi chất của bản thân mà phải dựa vào các yếu tố bên ngoài như nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời.
Ông Meike Koehler đến từ Viện Catala de Paleontologia của Tây Ban Nha khẳng định, những kết quả họ thu thập được là bằng chứng rõ ràng chứng tỏ khủng long là loài máu nóng và gợi ý một sự nhìn nhận lại về loài bò sát.
Từ lâu, các nhà cổ sinh học luôn tập trung vào dấu hiệu hình vòng hiển thị trên xương của khủng long và các loài vật máu lạnh, dựa vào đó để chỉ ra sự tạm dừng sinh trưởng, cõ lẽ là do thời kỳ khí hậu lạnh giá hoặc thiếu thức ăn.
Koehler và nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện được dấu hiệu vòng xương trên ở tất cả 41 loài động vật máu nóng mà họ nghiên cứu, bao gồm cả linh dương, hươu và hươu cao cổ. Khi so sánh các mô xương của các động vật máu nóng trên với mô xương của khủng long dường như không thấy điểm khác biệt.
Kết quả phân tích mô xương khủng long cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các loài động vật có vú có liên quan đến quá trình trao đổi chất cao, một đặc điểm điển hình có ở loài động vật máu nóng.
Phát hiện trên của các nhà khoa học đến từ Tây Ban Nha và Na Uy được coi là những bằng chứng mới nhất và có cơ sở nhất chứng tỏ khủng long là loài máu nóng.