Có bao giờ bạn thấy bản thân mình suy nghĩ quá nhiều về thế giới xung quanh hơn người khác hay cảm thấy lo lắng thái quá về cảm xúc của người khác? Nếu có thì nhiều khả năng bạn thuộc vào nhóm người "siêu nhạy cảm".
Những nghiên cứu dưới đây sẽ bật mí cho bạn biết mình có phải là một người có độ nhạy cảm cao hay không.
Những người "cực kỳ nhạy cảm" thường nghĩ rằng mình lạ, đặc biệt hơn so với người xung quanh nhưng thường cố gắng che giấu và tỏ ra mình bình thường. Tuy nhiên điều này chỉ khiến người trong cuộc càng trở nên mệt mỏi.
Theo các chuyên gia, rất nhiều trẻ em trong quá trình phát triển cảm thấy tính cách mình có phần thiếu sót nên tự ti, nhưng sự thật là chúng quá nhạy cảm mà thôi.
Với một số nền văn hóa, ví dụ như Nhật Bản, nét tính cách này rất được trân trọng. Tuy nhiên xã hội phương Tây lại không nhìn nhận như vậy, trẻ em có tính cách quá nhạy cảm thường nhận phải phản ứng tiêu cực, chế nhạo từ bạn bè và người lớn.
Nhà tâm lý học Elaine Aron đưa ra một bằng chứng về một cậu bé đã tử tự khi bị bắt nạt tại trường học vào năm 2011. Được biết, cậu bé này khác lạ hơn so với các bạn khác do cậu quá nhạy cảm với tiếng ồn. Dù đã cố né tránh nhưng cậu vẫn không thể nào chịu được sự chọc ghẹo của bạn cùng trường nên đã quyết định quyên sinh.
Trong thế giới hiện đại, tính cách nhạy cảm có cả mặt tích cực và tiêu cực. Theo hướng tích cực, bạn có thể phát hiện ra lỗi và xử lý thông tin ở mức độ chuyên sâu hơn những người khác. Về mặt tiêu cực, có khả năng bạn sẽ phản ứng lại những báo động giả và cảm thấy lo sợ trước tác nhân gây kích thích khác ví dụ như caffeine hoặc thuốc.
Theo Aron, nét tính cách này không phải là phát hiện mới, tuy nhiên nó thường bị mọi người hiểu lầm và đánh giá thấp, khiến nhóm người nhạy cảm gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia chỉ ra, động vật cũng có thể bị nhạy cảm quá mức. Theo quan điểm tiến hóa, tính cách này rất có giá trị bởi nó sẽ giúp cho động vật cảm nhận được mối nguy hiểm tiềm tàng và quan sát hành vi của những loài động vật khác một cách sắc bén.
Nghiên cứu về các cặp sinh đôi đã chứng minh rằng, tính cách của HSP (những người cực kỳ nhạy cảm) lại có tính di truyền, cho dù môi trường đóng góp một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của nét tính cách này.
Những đứa trẻ được bao bọc quá mức hoặc bị uốn nắn bằng "roi vọt" theo hướng mà người lớn cho rằng là “bình thường” sẽ gặp phải vấn đề trong quá trình phát triển. Các nhà nghiên cứu bộ não con người đã phát hiện ra rằng HSP liên quan tới chức năng xử lý thông tin của não bộ trong từng giai đoạn phát triển.
Chuyên gia Aron nhấn mạnh, một người được cho là nhạy cảm thường phản ứng mạnh trước những thay đổi của môi trường và hiểu được điều người khác chuẩn bị nói.
Bên cạnh đó, các HSP được nhận xét là hay ngượng ngùng nhưng không sợ đám đông và không thể tiếp xúc với người lạ. Trong thực tế, 30% người nhạy cảm cao lại có tính cách hướng ngoại. Một số người nhạy cảm cao lại có xu hướng xúc động mạnh, điều đó có nghĩa những tác nhân kích thích vừa khiến họ cảm thấy thích thú nhưng lại gây khó chịu.
Não bộ của một người nhạy cảm cao thường xử lý thông tin một cách kĩ càng. Bởi vậy một HSP thường để ý tới những chi tiết mà ít người quan tâm tới.
Ví dụ như tâm trạng của giáo viên đứng lớp hoặc cách sắp xếp đồ đạc trong căn phòng hay như vị ngọt nhân tạo khiến bạn có cảm giác như đang ăn chất hóa học; ca sĩ hát lạc nhịp làm bạn cảm tưởng như đang nghe tiếng móng tay cào trên bảng viết....
Ngoài ra, một HSP còn có khả năng phát hiện một người đang nói dối hay nhận biết cảm xúc của người khác dựa trên trực giác của mình. Tuy vậy, phản ứng có phần "thái quá" của những người nhạy cảm cao thường khiến người đối diện e ngại.
Theo tiến sĩ Elaine N.Aron, người đầu tiên nghiên cứu những đặc điểm tính cách của con người vào thập niên 90, đó là do hormone oxytocin ở những người này luôn ở mức cao hơn người khác. Bởi vậy, họ luôn thường trực nhiều sự phản ứng mạnh mẽ khi đối mặt với một sự kiện tiêu cực.
Tiếng ồn, sự xô bồ có thể khiến HSP cảm thấy khó chịu, chính vì vậy họ thường làm việc tốt hơn trong môi trường yên tĩnh. Một khi có thể tập trung được, HSP làm rất tốt những công việc đòi hỏi sự suy nghĩ sâu.
Tuy nhiên, khi tăng cường độ âm thanh và yêu cầu HSP làm nhiều việc cùng một lúc, họ sẽ bị quá tải. Nếu bạn là kiểu người cảm thấy mình cần ở một mình sau khi đi du lịch với gia đình, dã ngoại với bạn bè hoặc sau một ngày bận rộn thì có thể bạn là một HSP.
Khi HSP yêu, họ chìm đắm trong tình cảm và thường cảm thấy lo lắng cũng như khó khăn trong việc xử lý cảm xúc mãnh liệt của bản thân. Họ thường bị rối loạn cảm giác kích thích và dễ xúc động, dẫn việc gặp phải khó khăn trong các mối quan hệ.
Với HSP, nguy cơ trái tim tan nát hoặc mối quan hệ có kết cục bi thương cao hơn người bình thường. Bởi sự quá đa cảm của một HSP sẽ khiến họ có thể khóc bất cứ lúc nào nhưng nếu đối tượng hiểu được nét tính cách của HSP và kiên nhẫn thì rất có thể bạn hái được "trái ngon".
Với óc sáng tạo vốn có, những HSP thường mang trong mình nhiều giấc mơ sinh động và chìm trong thế giới tự tưởng tượng ra. HSP còn đồng cảm và tưởng tượng ra suy nghĩ và cảm xúc của những người bên cạnh mình.
Dù hay cáu giận vô cớ, suy nghĩ nhiều nhưng một HSP luôn cố gắng hết sức để hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tốt nhất có thể. Họ thường có cách xử sự đúng đắn và chú ý tới những tiểu tiết mà nhiều người khác không để ý.
Chính vì thường chú ý đến tiểu tiết nên những người nhạy cảm cao thường khó đưa ra quyết định. Cho dù quyết định đó chỉ là “có” hoặc “không”, họ vẫn muốn có được câu trả lời hoàn hảo nhất sau khi đã "cân đo đong đếm" tất cả khả năng có thể xảy ra. Chính vì vậy, nếu đưa ra quyết định “sai” hoặc “nhầm lẫn”, họ sẽ buồn hơn người khác gấp trăm nghìn lần. Ở trường hợp này, não họ có xu hướng đặc biệt nhạy cảm với cortisol - hormone gây ra stress, khiến người nhạy cảm càng sa đà hơn vào nỗi buồn của mình.
Điều này nghe có vẻ bất thường nhưng trên thực tế, những người siêu nhạy cảm là một thành viên nhóm vô cùng quý giá nhờ vào khả năng suy nghĩ sâu sắc của mình.
Tuy nhiên, họ phù hợp hơn với một vị trí trong nhóm mà không cần đưa ra quyết định. Ví dụ, nếu một người siêu nhạy cảm nằm trong đội cứu hộ, người đó sẽ thực hiện tốt việc phân tích tình huống phẫu thuật và cứu chữa bệnh nhân, trong khi một người khác có thể dựa vào đó mà đưa ra quyết định cuối cùng.
Do có phản ứng và xúc cảm mạnh mẽ hơn đối với sự việc, người siêu nhạy cảm cũng dễ khóc hơn. Chính vì thế mà điều quan trọng là khiến họ cảm thấy thoải mái và không bị xấu hổ khi bật khóc.
Nếu bạn bè và người thân hiểu được xu hướng dễ khóc của những người này và ủng hộ điều đó, những người siêu nhạy cảm sẽ thấy an toàn và tránh được trạng thái lo âu.