Dấu hiệu nhận biết sa trực tràng

Sa trực tràng là gì?

TS.BS Trần Ngọc Dũng cho biết người bị sa trực tràng thường có tâm lý ngại ngùng, chịu đựng bệnh mà không đi điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

TS.BS Trần Ngọc Dũng, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết trực tràng là đoạn ngay trước hậu môn, dài khoảng 20 cm. Trực tràng có thể bị sa ra ngoài khi trượt khỏi lớp niêm mạc hoặc toàn bộ ở ngoài lỗ hậu môn.

Người bệnh sẽ thấy phần trực tràng lồi ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện. Chúng có thể tự động co trở lại ống hậu môn hoặc được đẩy lên bằng tay. Bệnh này dễ nhầm với trĩ.


Bệnh trực tràng bị sa không thể tự khỏi, mức độ sa sẽ tăng dần theo thời gian. (Ảnh: Urogyn.coloradowomenshealth).

Nguyên nhân

"Tình trạng này gây khó chịu cho người bệnh, nhưng hiếm khi dẫn đến cấp cứu. Tuy nhiên, người bệnh thường có tâm lý ngại ngùng, chịu đựng bệnh mà không đi điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống", bác sĩ Dũng nói.

Theo bác sĩ Ngọc Dũng, người dễ mắc bệnh là phụ nữ trên 50 tuổi. Họ có nguy cơ cao gấp 6 lần nam giới, hầu hết nữ giới bị bệnh đều ở độ tuổi ngoài 60.

Bên cạnh đó, nam giới bị bệnh thường gặp ở độ tuổi trẻ hơn, từ 40 tuổi trở xuống. Trẻ em dưới 3 tuổi cũng có thể mắc bệnh này.

3 loại sa trực tràng:

  • Sa không hoàn toàn: Đã bị sa nhưng không ra ngoài hậu môn.
  • Sa niêm mạc: Niêm mạc của trực tràng bị lồi ra ngoài hậu môn.
  • Sa hoàn toàn: Toàn bộ khối trực tràng bị lồi ra ngoài qua hậu môn, còn được gọi là sa toàn bộ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là người bệnh bị táo bón kéo dài; phải rặn khi đi tiểu; hệ thống cơ vùng sàn chậu yếu, cơ thắt hậu môn yếu. Ngoài ra, bệnh có thể do ổ bụng bị tăng áp lực (phì đại lành tính tuyến tiền liệt, xơ gan, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)) hoặc vấn đề bất thường ở cấu trúc các dây chằng giữ trực tràng bởi cơ quan xung quanh.

Triệu chứng

TS.BS Trần Ngọc Dũng cho biết khi bị sa trực tràng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:

  • Cảm giác có khối phồng ở hậu môn;
  • Cảm thấy đau và khó chịu vùng bụng dưới, bên trái;
  • Cảm giác đại tiện không hết phân;
  • Thường xuyên bị tình trạng táo bón hoặc phải rặn khi đi đại tiện;
  • Rối loạn tiêu hóa, không kiểm soát được việc đại tiện, tiêu chảy;
  • Khám thấy khối lòi ra ngoài hậu môn ở các mức độ theo phân loại.


Tình trạng này gây khó chịu cho người bệnh, nhưng hiếm khi dẫn đến cấp cứu. (Ảnh: Metrogichicago).

Bệnh được đánh giá mức độ nặng khi xuất hiện chảy máu từ niêm mạc trong trực tràng. Dấu hiệu phân dính máu đỏ tươi, thậm chí máu nhỏ giọt khi đại tiện; chảy máu hoặc chất nhầy ở hậu môn; sau khi đi đại tiện, thấy có dịch hoặc phân chảy tiếp ra quần; gặp khó khăn trong việc đánh hơi.

Nếu không điều trị, bệnh nhân có thể bị biến chứng: Loét và chảy máu trực tràng; khối trực tràng bị lồi ra ngoài, gây chèn ép và thiếu sự cấp máu; loét, hoại tử đoạn trực tràng bị sa.

Điều trị

Theo BS Dũng, bệnh trực tràng bị sa không thể tự khỏi, mức độ sa sẽ tăng dần theo thời gian. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng, thậm chí đến vài năm. Việc điều trị tùy thuộc vào từng cá nhân, bao gồm: Tuổi, mức độ của bệnh, có bất thường khác hay không.

Khi được chẩn đoán sa trực tràng, bạn có thể lựa chọn trì hoãn điều trị nếu các triệu chứng nhẹ và không bị cản trở nhiều về chất lượng cuộc sống.

Việc điều trị bao gồm: Điều trị không dùng thuốc, điều trị có dùng thuốc và phẫu thuật.

Điều trị không dùng thuốc

  • Thay đổi chế độ ăn uống và thay đổi lối sống: Bao gồm chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên.
  • Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Không cố gắng rặn khi đại tiện. Hãy đi đại tiện mỗi ngày một lần và nên đi vào buổi sáng. Trước khi đi đại tiện, bạn có thể vận động hỗ trợ tăng nhu động ruột.
    Điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để giảm táo bón đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh trực tràng sa.

Điều trị dùng thuốc

Các thuốc điều trị đối với sa trực tràng chỉ có tính chất tạm thời và hỗ trợ phẫu thuật.

Một số thuốc và chế phẩm phổ biến hiện nay bao gồm:

  • Huyết thanh;
  • Thuốc chống co thắt;
  • Các gel, thuốc dạng bôi có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau;
  • Thuốc chỉ được sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ sau khi đã thăm khám chính xác tình trạng bệnh.

Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật sa trực tràng có nhiều phương pháp, từ điều trị bảo tồn cho đến phẫu thuật cắt bỏ trực tràng. Các phẫu thuật được chia ra thành 2 nhóm: Phẫu thuật từ đường hậu môn và phẫu thuật từ đường bụng.

  • Các phẫu thuật đường hậu môn: Altermiere, Delorme, Chivas, Thiersch…
  • Các phẫu thuật đường bụng: Orr - Loygue, Ripstein, Wells…

Ngày nay, những phẫu thuật ít xâm lấn như phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot cũng được ứng dụng trong điều trị sa trực tràng đem lại hiệu quả cao, an toàn và thẩm mỹ.

Cập nhật: 11/05/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video