Đau hố chậu phải không nhất thiết do viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa đương nhiên là có đau hố chậu phải, nhưng không nhất thiết cứ đau hố chậu phải là viêm ruột thừa. Có nhiều cơ quan trong vùng này khi bị viêm cũng có triệu chứng tương tự, chẳng hạn như thủng ruột non, xoắn u nang buồng trứng, vỡ thai ngoài dạ con...

Vùng hố chậu phải tuy rất hẹp nhưng có nhiều cơ quan nằm chồng lên nhau như ruột thừa, manh tràng, hồi tràng, buồng trứng, vòi trứng (nữ), niệu quản phải, cơ thắt lưng chậu. Người thày thuốc dù có giàu kinh nghiệm cũng phải đắn đo để có chẩn đoán chính xác một trường hợp đau hố chậu phải không điển hình. Những bệnh gây đau hố chậu phải gồm:

Viêm ruột thừa: Bao giờ cũng có đau vùng hố chậu phải. Điểm đau thường là điểm nối 1/3 ngoài và 2/3 trong đường thẳng từ gai chậu trước trên đến rốn, gọi là điểm Mac Burney. Nếu ruột thừa ở bên trái thì điểm đau ở bên trái, nhưng rất hiếm. Bệnh nhân thường sốt 37-39 độ C, mạch nhanh, rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, buồn nôn. Xét nghiệm bạch cầu tăng cao, ấn vào hố chậu phải đau tăng, có phản ứng và co cứng thành bụng. Cần phải mổ cấp cứu trong những giờ đầu. Nếu để muộn, ruột thừa gây nhiều biến chứng rất phức tạp.

Thủng ruột non: Phần nhiều gặp trong bệnh thương hàn hoặc viêm đoạn cuối hồi tràng (bệnh Crohn). Trong trường hợp thương hàn, bệnh nhân đã có sốt hàng tuần, mệt mỏi, mê sảng, người gầy yếu, mất nước. Chẩn đoán huyết thanh thương hàn dương tính, bụng trướng. Lúc đầu đau hố chậu phải, sau đau toàn ổ bụng. Trường hợp bệnh Crohn bị thủng ruột phần cuối hồi tràng, triệu chứng sẽ giống như viêm ruột thừa bị thủng, phải mổ cấp cứu.

Túi ruột Meckel: Hay gặp ở em trai dưới 17 tuổi. Triệu chứng là những cơn đau bụng và đi ngoài ra máu, người xanh xao. Khi túi Meckel bị thủng thì gây viêm phúc mạc. Bệnh rất hay nhầm với viêm ruột thừa, cần phải mổ cấp cứu. Nếu chẩn đoán muộn dễ đưa đến tử vong.

Xoắn u nang buồng trứng: Bệnh nhân thỉnh thoảng thấy nổi cục ở bụng và đau bụng. Khi cục u này mất đi thì cơn đau bụng cũng mất, siêu âm thấy được u nang buồng trứng. Nếu u nang buồng trứng bị xoắn, bệnh nhân thường đau dữ dội, quằn quại. Trường hợp này, cần phải mổ thăm dò vùng bụng dưới để phẫu thuật.

Vỡ thai ngoài dạ con: Thường bệnh nhân chậm kinh, đau bụng vùng hố chậu phải, đau lăn lộn. Có tình trạng sốc mất máu, hồng cầu hạ, huyết áp giảm. Khám âm đạo, chạm vào túi cùng thấy đau chói, có ít máu theo tay. Nếu không mổ cấp cứu, bệnh nhân sẽ tử vong vì mất máu.

Thủng dạ dày - tá tràng: Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày - tá tràng. Trường hợp dạ dày thủng, dịch dạ dày chảy xuống hố chậu phải thì người bệnh đau, co cứng thành bụng; lúc đầu đau toàn ổ bụng, sau đau ở hố chậu phải. Trường hợp này rất dễ nhầm với viêm phúc mạc do viêm ruột thừa. Cần mổ cấp cứu để xử lý lỗ thủng.

Áp-xe cơ đáy chậu: Bệnh nhân cũng đau hố chậu phải, sốt rất cao, bạch cầu tăng. Có dấu hiệu quan trọng là chân phải bị co lại, duỗi ra thì đau. Chích áp-xe thì khỏi.

Viêm phần phụ: Bệnh nhân đau cả vùng bụng dưới và hai hố chậu. Nếu viêm cấp phần phụ thì đau hố chậu phải. Sốt 39-40 độ, bạch cầu cao. Viêm phần phụ không mổ, cho uống thuốc kháng sinh sẽ khỏi.

Lao manh tràng: Bệnh nhân gầy yếu, xanh xao, ốm lâu ngày, sốt 37-38,5 độ về chiều, thỉnh thoảng tiêu chảy hoặc táo bón. Sờ bụng có khi thấy một khối u ở hố chậu phải, ấn đau. Điều trị bằng thuốc chống lao thì khỏi.

Sỏi niệu quản phải: Đau lan xuống bìu, tiểu ra máu, xét nghiệm nước tiểu có hồng cầu; không sốt. Thành bụng mềm, sờ nắn sâu hố chậu phải đau như trong viêm ruột thừa. Làm siêu âm, X-quang có thể thấy sỏi. Khi sỏi gây tắc thì cần mổ.

Viêm phổi - màng phổi phải: Có điểm đau ở vùng hố chậu phải, nhất là trẻ em. Bệnh nhân sốt, không nôn, bạch cầu tăng, có cảm giác co cứng thành bụng bên phải nhẹ. Nghe phổi và chụp X-quang sẽ thấy rõ hình ảnh viêm phổi, màng phổi.

Ngoài ra, đau hố chậu phải còn gặp khi xoắn mạc nối lớn, xoắn ống dẫn trứng, lồng ruột, áp xe thành bụng… Khi đau hố chậu phải kèm theo sốt, buồn nôn thì đầu tiên phải nghĩ đến viêm ruột thừa. Nhưng có trường hợp viêm ruột thừa không đầy đủ các triệu chứng đã mô tả nên bệnh nhân phải kể rõ với bác sĩ, theo dõi sát, khám kiểm tra lại nhiều lần (khoảng 1-3 giờ/lần). Như vậy mới không bỏ sót ca bệnh cần mổ cấp cứu vì nếu để muộn, bệnh sẽ gây ra những biến chứng vô cùng phức tạp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video